Đồng Nguyễn Tin, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Đương thời, khi về các địa phương thăm hỏi cán bộ công tác trong ngành Nông nghiệp, ra đồng động viên nông dân thi đua sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Để phát triển nông nghiệp toàn diện, trong sản xuất phải có kế hoạch, thể hiện tính chủ động, có tầm nhìn xa. Bác nói: “Làm chỗ nào, làm cái gì thì phải làm thật kỹ, phải chăm sóc luôn và phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Lãnh đạo và xây dựng kế hoạch phải thật sát với thực tế, bởi tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Chi bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên tham gia hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm giúp cho bà con nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Mỗi đảng viên, công chức, viên chức không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân bằng những việc làm cụ thể.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) thực hiện Mô hình
canh tác cây đậu xanh trên đất lúa kém hiệu quả trong vụ đông – xuân 2019-2020.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh chuyển đổi được trên 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao theo nội dung Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy, Chi bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo đội ngũ viên chức đồng hành, chung sức, tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất thông qua các nghị quyết chuyên đề hàng năm. Cụ thể, năm 2016, thực hiện chuyên đề “Cán bộ khuyến nông gắn bó với nhân dân để hỗ trợ sản xuất trong điều kiện hạn hán”; năm 2017 thực hiện chuyên đề “Cán bộ Khuyến nông trung thực, trách nhiệm với công việc được giao; năm 2018 thực hiện chuyên đề “Cán bộ Khuyến nông hỗ trợ chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn hán; năm 2019 thực hiện chuyên đề “Xây dựng người cán bộ khuyến nông ý thức trách nhiệm, tôn trọng Nhân dân.
Trước khi bước vào vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch trực tiếp làm việc với UBND các huyện; tổ chức kiểm tra thực địa trên cơ sở nguồn nước hiện có để thống nhất kế hoạch chuyển đổi cây trồng, tổng hợp báo cáo kết quả tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu chuyển đổi từng vụ cụ thể cho các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện, Trung tâm phân công viên chức kỹ thuật bám sát địa bàn, tổ chức tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân canh tác các loại cây trồng cạn trên vùng đã được xác định đưa vào kế hoạch chuyển đổi; theo dõi tiến độ, xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo viên chức đẩy mạnh công tác chuyển giao, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả; khuyến cáo nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng bền vững, như: Bưởi da xanh, mãng cầu, nho, táo, chuối và cỏ chăn nuôi, sử dụng các loại giống cây trồng cạn, giảm diện tích trồng lúa.
Kết quả từ năm 2016 đến cuối tháng 10-2019, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 6.682 ha cây trồng cạn, đạt 106,38% kế hoạch tỉnh giao; trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 4.815 ha. Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt được hiệu quả về mọi mặt. Đối với kinh tế, giảm được nhiều chí phí đầu tư, năng suất cây trồng tăng, lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 1,2 đến 2 lần. Về xã hội, đã giải quyết việc làm ổn định, tạo thu nhập cho người dân tại các vùng sản xuất trong điều kiện thường xuyên thiếu nước.
Anh Tùng