Anh Trần Trí Danh Hiệu quả kinh tế từ việc nuôi bò vỗ béo

Thu mua bò tơ, bò gầy về nuôi theo hình thức nhốt hoàn toàn trong trại mát, cho ăn cỏ, uống nước và bổ sung một số dưỡng chất đơn giản nhưng vẫn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình nuôi bò vỗ béo bán công nghiệp đang được hộ gia đình anh Trần Trí Danh ở thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao từ hơn hai năm nay.

Được biết, anh Danh từng gắn bó với cây mía nhiều năm. Tuy nhiên, những năm gần đây thời tiết khô hạn kéo dài cùng với giá cả không ổn định nên anh bắt đầu tìm hiểu và chuyển hướng sang mô hình chăn nuôi. Cuối năm 2017, sau khi vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng cùng với một số vốn sẵn có anh quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng để triển khai mô hình nuôi bò theo phương thức vỗ béo rồi bán lại cho các thương lái. Để triển khai mô hình, anh đầu tư xây dựng khu chuồng trại khép kín có diện tích hơn 700 mét vuông, trồng thêm 4 ha cỏ voi áp dụng hệ thống tưới tự động để chủ động nguồn thức ăn cho đàn.

Anh Trần Trí Danh với mô hình nuôi bò vỗ béo rất hiệu quả.

Về hình thức nuôi, theo anh Danh mỗi năm có thể nuôi nhiều lứa, khi chọn con giống ưu tiên giống bò lai, chủ yếu thu mua những con bò tơ, nếu bò ốm thì không mua bò quá già, sau khi mua về thì tiến hành tẩy giun sán, tiêm các loại vắc xin phòng bệnh. Hàng ngày cho bò ăn cỏ tươi xay kết hợp bổ sung một số thức ăn tinh như cám ngô, cám vỗ béo, mật đường…đồng thời phải làm vệ sinh cho bò, chuồng trại sạch sẽ. Trung bình khoảng 3 đến 4 tháng chăm sóc bò sẽ đủ trọng lượng để xuất bán. Riêng trong năm vừa qua, anh Danh đã xuất bán 3 lứa bò sau khi vỗ béo, mỗi lứa bán từ 25 đến 30 con. Với mức giá bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/con, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, công chăm sóc, công thuê lao động anh thu lãi mỗi con trên dưới 5 triệu đồng chỉ sau hơn 3 tháng nuôi. Ước tính với 3 lứa bò khoảng 90 con xuất đi trong năm qua anh thu lãi gần 500 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. “Mình chủ yếu bán cho thương lái và các lò mỗ ở Hố Nai (tỉnh Đồng Nai), giá thịt bò thì luôn ở mức ổn định nên việc đầu tư nuôi bò theo mô hình này mặc dù nặng đầu tư ban đầu nhưng vẫn dễ thu lại vốn và cũng cho hiệu quả kinh tế hơn trồng mía nhiều” anh Danh cho biết.

Được biết, hiện anh Danh đang có ý định mở rộng trang trại của mình để kết hợp nuôi không chỉ giống bò vàng ta mà còn nuôi thêm một số giống bò lai Úc, bò Pháp, giống bò B3, giống bò Cọp Angus. Theo anh Danh thì một số giống bò lai mới sẽ cho thời gian nuôi kéo dài thêm khoảng 1 đến 2 tháng mới đủ trọng lượng xuất bán, tuy nhiên trọng lượng và giá cả cũng hơn hẳn so với giống bò vàng ta, nguồn lãi cũng cao hơn nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: qua theo dõi thì mô hình của ông Trần Trí Danh ở xã Quảng Sơn là một điển hình trong việc chuyển hướng làm kinh tế rất hiệu quả. Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng hạn hẹp, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp thì mô hình nuôi bò vỗ béo là hướng phát triển kinh tế rất phù hợp với điều kiện địa phương. Nuôi bò vỗ béo có nhiều ưu điểm như tiết kiệm được thời gian nuôi, không mất công chăn thả, khả năng thu hồi vốn nhanh. Trong định hướng cơ cấu tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp của huyện Ninh Sơn cũng đã xác định chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, huyện sẽ tích cực vận động, tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân mạnh dạn áp dụng, nhân rộng các mô hình không chỉ nuôi bò vỗ béo mà các mô hình như dê vỗ béo, cừu vỗ béo để tăng năng suất, nâng cao chất lượng gia súc theo hướng thương phẩm bền vững trong thời gian tới.