Nông dân Thuận Bắc nỗ lực sản xuất ứng phó với hạn

Tuy đối diện với những khó khăn do nắng nóng kéo dài, nhưng nông dân huyện Thuận Bắc vẫn quyết tâm vượt khó, tìm các giải pháp linh hoạt duy trì sản xuất, ứng phó hiệu quả với hạn.

Có mặt tại cánh đồng xã Bắc Phong vào những ngày giữa tháng 4, mặc dù đang là thời điểm nắng hạn, những ruộng lúa, bắp lai, đậu xanh… vẫn xanh tươi tốt. Tìm hiểu mới biết đó là nhờ cây trồng được tưới từ những hệ thống ao chứa nước, giếng khoan được nông dân đào ngay tại chân ruộng. Anh Nguyễn Văn Binh, ở thôn Ba Tháp, chia sẻ: Từ đầu năm tới nay do không có mưa nên nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn dần cạn kiệt, nhằm đảm bảo nước tưới cho 4 sào ớt và đậu phộng, gia đình đã đào giếng sâu khoảng 10 mét, đầu tư gần 8 triệu đồng mua ống bi và máy bơm. Nhờ nằm sát lòng suối nên mạch nước ngầm dồi dào, lượng nước tưới luôn đảm bảo xuyên suốt mùa vụ. Được biết, để giảm chi phí đầu tư, bà con có đất canh tác liền kề lập nhóm từ 3-5 hộ góp tiền đào ao, đào giếng bơm tưới luân phiên, là cách làm mà nhiều nông hộ tại địa phương áp dụng từ nhiều năm nay để chống hạn cho cây trồng vào mùa khô.

Chuyển đổi cây trồng giúp nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) có thu nhập ổn định trong mùa hạn.

Song song với việc trữ nước tưới cho cây trồng, giảm diện tích cây lúa chuyển sang trồng màu cũng được thực hiện đại trà, điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm nước mà còn khắc phục tình trạng bỏ hoang đất. Anh Vũ Mạnh Hoàng, ở thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, cho biết: Do nắng hạn diễn ra liên tiếp trong nhiều năm, nên người dân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó, lường trước khó khăn khi sản xuất trong điều kiện thiếu nước, giữa năm 2019, tôi chủ động chuyển 2 sào lúa sang trồng măng tây xanh, qua hơn 6 tháng trồng đã cho thu hoạch, mỗi sào thu từ 3-5 kg/ngày và được doanh nghiệp mua với giá 50.000 đồng/kg. Mặc dù trồng loại cây này chi phí đầu tư cao, nhưng sử dụng ít nước, hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Còn đối với những hộ không có vốn trồng măng tây xanh thì lựa chọn cây trồng ngắn ngày có khả năng chịu hạn tốt, thị trường tiêu thụ rộng để sản xuất. Ông Mang Bằng, ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn thổ lộ: Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng theo chủ trương của UBND huyện, năm nay mình chuyển 2 sào đất lúa để trồng đậu xanh. Không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác đều tích cực hưởng ứng, mạnh dạn thực hiện chuyển đổi để thích nghi với nắng hạn, nhờ đó toàn bộ diện tích canh tác thiếu nước quanh khu vực đã được bao phủ một màu xanh của cây trồng.

Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay chủ trương chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn đã thực sự đi vào cuộc sống của nông dân huyện Thuận Bắc và đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong vụ đông-xuân 2019-2020, huyện chủ động giảm diện tích lúa xuống còn 628 ha, giảm gần 50% so với những vụ trước đây, tập trung chuyển đổi trên 85 ha cây ăn quả và cây ngắn ngày, nâng tổng diện tích chuyển đổi cây trồng các loại đạt hơn 352 ha. Nhiều mô hình chuyển đổi ngày càng khẳng định được hiệu quả kinh tế, có sức lan tỏa sâu rộng được nông dân đón nhận và mở rộng sản xuất trên diện rộng. Theo đánh giá của địa phương, thu nhập từ cây bắp tăng 1,3 lần; cây đậu phộng, cây dưa tăng từ 2-2,5 lần so với trồng lúa. Cùng với đó, tăng cường áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm được xem là giải pháp phù hợp, giải quyết triệt để “bài toán” thiếu nước, đảm bảo sản xuất bền vững trong tình hình hiện nay. Với ưu điểm vượt trội, mô hình từ 6,5 ha triển khai thí điểm vào năm 2016, đã nhân rộng lên gần 22 ha hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Từ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn, công tác ứng phó với hạn đã có tín hiệu đáng mừng, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng đều mỗi năm. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, tập trung đẩy mạnh chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND, ngày 18-8-2017 của UBND tỉnh; tăng cường tuyên truyền, hướng người dân triển khai các mô hình sản xuất phù hợp.