Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi điều tiết nước tưới cho 6.362 ha, số diện tích còn lại tận dụng nước tưới từ các hồ, sông, suối. Cụ thể, hệ thống đập Sông Pha phục vụ tưới 2.290 ha, đập Nha Trinh 3.363 ha, đập Lâm Cấm dừng sản xuất lúa, chỉ triển khai sản xuất cây màu với tổng diện tích hơn 700 ha.
Căn cứ vào phương án sản xuất vụ hè-thu 2020 cho thấy, chủ trương không mở rộng diện tích lúa của tỉnh được các địa phương thực hiện nghiêm túc (giảm đến 11.520 ha so với vụ cùng kỳ năm ngoái) để tập trung cho công tác chuyển đổi cây trồng cạn, với diện tích 320 ha; trong đó, huyện Ninh Phước 44 ha, Thuận Bắc 21 ha, Ninh Hải 5 ha, Ninh Sơn 50 ha, Bác Ái 200 ha. Với quyết tâm tổ chức sản xuất vụ hè-thu có hiệu quả, các ngành, các cấp vào cuộc thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn do hạn hán gây ra.
Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch bắp. Ảnh: Duy Linh
Đồng chí Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Công ty đã chủ động xây dựng giải pháp điều tiết cụ thể cho từng tuyến kênh, đảm bảo nước phục vụ sản xuất theo kế hoạch. Ngay sau khi kết thúc vụ đông-xuân 2019-2020, Công ty sẽ đóng nước tại các công trình thủy lợi để tập trung nạo vét, khơi thông dòng chảy và tu sửa, nâng cấp một số tuyến kênh do Công ty quản lý. Từ ngày 15-4 đến 30-4, lãnh đạo Công ty và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện cấp đủ nước cho vùng hạ du trên địa bàn tỉnh trong vụ hè-thu. Đối với hệ thống đập Sông Cái hưởng lợi trực tiếp từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, tăng cường điều tiết luân phiên giữa các đập Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh chính Nam, chính Bắc, đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và cây trồng sản xuất theo kế hoạch ở hạ du sông Cái. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vận hành đường ống chính Tân Mỹ và các đường ống nhánh để phục vụ bơm tiếp nước chống hạn cho khu tưới hồ Cho Mo, hồ Phước Trung, hồ Thành Sơn và kênh Bắc thuộc đập Nha Trinh. Riêng hệ thống các hồ chứa, tập trung tích trữ nguồn nước để ưu tiên cấp đủ cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc.
Mô hình trồng đậu xanh trên đất lúa thiếu nước ở vụ đông-xuân 2019-2020 tiếp tục được nhân rộng trong vụ hè-thu 2020.
Không riêng gì Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các ngành chức năng, địa phương cũng đã chủ động xây dựng phương án sản xuất vụ hè-thu ứng phó với hạn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp rà soát, xác định vùng chuyển đổi, quy mô, đối tượng cây trồng phù hợp với định hướng, quy hoạch sản xuất. Điểm mới trong chuyển đổi cây trồng cạn ở vụ này là, ngành chức năng hướng dẫn các địa phương chú trọng đưa đối tượng cây trồng tiềm năng như măng tây xanh, nho, táo vào sản xuất; đồng thời, thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Chủ động tổ chức liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, ký kết với các tổ sản xuất để cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm của nông dân, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả, chỉ tiêu, kế hoạch chuyển đổi cây trồng đã được giao, làm cơ sở để đánh giá kết quả thi đua khen thưởng, do đó sẽ khắc phục được tình trạng người đứng đầu, cán bộ chuyên môn lơ là trong thực hiện nhiệm vụ. Những hộ triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng vụ đầu cũng an tâm hơn, bởi các huyện chủ động sử dụng kinh phí dự phòng để hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp. Sản xuất vụ hè-thu 2020 vì thế kỳ vọng sẽ thu được nhiều kết quả.
Anh Tùng