Diện mạo mới trên vùng kháng chiến năm xưa

Đã tròn 45 năm kể từ khi đất nước thống nhất nhưng khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ quân và dân tỉnh nhà. Theo dòng lịch sử, chúng tôi trở về những vùng đất anh hùng để cảm nhận sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng quê hương nhằm viết tiếp những trang sử hào hùng của thế hệ cha ông để lại.

Vĩnh Hải - Sức bật từ phong trào xây dựng nông thôn mới

Nằm dọc bờ biển phía Đông Bắc của huyện Ninh Hải, xã Vĩnh Hải được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc hữu tình, với một bên là biển, một bên là núi rừng xanh thẳm. Đây cũng là vùng đất sinh ra những người con anh dũng, kiên cường đánh đuổi kẻ thù trong 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những ngày kháng chiến trường kỳ, quân và dân xã Vĩnh Hải đã kề vai sát cánh, dốc sức cùng nhân dân cả nước đứng lên, giành lại độc lập cho quê hương và đất nước. Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nỗ lực đưa tiềm năng, lợi thế vốn có trở thành động lực để xây dựng nông thôn mới, qua đó thay đổi diện mạo địa phương.

 

Nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) cùng du khách thu hoạch nho tươi tại vườn. Ảnh: Văn Nỷ

Đến Vĩnh Hải trên tuyến đường ven biển, xã hiện lên trong mắt chúng tôi với nhịp sống đầy sôi động “trên bến dưới thuyền” của tàu đánh bắt hải sản. Các điểm du lịch vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái luôn đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; nông dân Thái An tất bật thu hoạch nho, tỏi.... tất cả vẽ nên một bức tranh kinh tế-xã hội đầy màu sắc. Những năm qua, nhờ sự đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương, của tỉnh cùng sự phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đưa Vĩnh Hải từ một xã bãi ngang ven biển có xuất phát điểm thấp, nay trở thành nền kinh tế biển năng động với nhiều ngành mũi nhọn như: du lịch, sản xuất nông sản, khai thác thủy, hải sản. Trao đổi với chúng tôi về những dấu ấn trong hành trình phát triển của địa phương, đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển của địa phương, giai đoạn đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ để địa phương “thay da đổi thịt” chính là tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào này, nhiều công trình hạ tầng giao thông, trường, trạm được đầu tư xây dựng bài bản, khang trang; chất lượng đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, tạo nền tảng để địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Đơn cử trong năm 2019, sản lượng khai thác thủy sản tại địa phương đạt 422 tấn, đạt 140% so với kế hoạch đề ra; sản lượng nho đạt 7.406 tấn; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm còn 2,4%... qua đó giúp địa phương hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và nỗ lực hoàn thành thêm các tiêu chí phụ để được công nhận là xã nông thôn mới trong năm 2020.

Chất lượng giáo dục ở Phước Bình ngày một nâng cao.

Đặc biệt đối với hai thôn khó khăn Cầu Gẫy, Đá Hang, sức sống của phong trào nông thôn mới đã góp phần thay đổi hoàn toàn tư duy về lối sống, lao động, sản xuất của bà con Raglai. Người dân không còn ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà chủ động hơn trong phát triển kinh tế với nhiều mô hình thâm canh cây lúa, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây ăn quả...cho thu nhập ổn định. Trong chuyến thăm và tặng quà cho bà con đồng bào tại hai thôn nhân dịp xuân Canh Tý 2020, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận rất phấn khởi trước những đổi thay của 2 thôn cũng như sự phát triển nhanh chóng, bền vững của xã nhà, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật, chất cho nhân dân. Đồng chí tin tưởng rằng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, địa phương sẽ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Phước Bình - Vươn mình phát triển

Ngược lên huyện Bác Ái theo Tỉnh lộ 707 để đến với xã Phước Bình, nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng của đồng bào dân tộc Raglai với trận chiến lịch sử tại chân đèo Gia Túc, do anh hùng Pi Năng Tắc dẫn dắt đã làm thất bại âm mưu đánh chiếm của kẻ thù. Đấu tranh anh dũng thời cách mạng và bước phát triển vượt bật về kinh tế trong thời bình, tạo nên dấu ấn đậm nét về ý chí và nghị lực vươn lên của đồng bào địa phương. Tất cả điều này được gói gọn trong câu nói của đồng chí Katơr Quỳnh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình: Ngày kháng chiến, bà con mình đồng lòng đi theo Đảng, chiến đấu hết mình để giành lại độc lập, tự do. Giờ đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà lòng người Phước Bình ngày nay ưng cái bụng lắm vì qua đi rồi cái thời bám vào nương rẫy để gieo mạ, trỉa bắp, quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo. Bà con càng vui mừng hơn nữa khi quê hương ngày một đi lên, trở thành miền đất đáng sống với cơ sở hạ tầng giao thông, trường, trạm y tế được đầu tư bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu cho nhân dân; nhiều loại cây trồng mới cho nâng suất và thu nhập cao. Đến nay, xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với các địa phương khác của huyện, giảm còn 20,56%.

Nông dân Phước Bình làm giàu từ cây bưởi da xanh.

Phước Bình hôm nay tự hào là vùng chuyên canh trồng bưởi và chuối lớn nhất của cả tỉnh, góp phần xanh hóa các vùng đất trống, đồi núi trọc cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, đạt trên 15 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, toàn xã có trên 700 ha trồng chuối và 300 ha trồng bưởi da xanh, không chỉ cung ứng sản phẩm trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Sự ưa chuộng, tin dùng của người tiêu dùng là lời khẳng định chắc nịch của nông dân địa phương về năng suất, chất lượng sản phẩm không chỉ đến từ việc cây trồng thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên mà còn là “chất xám” mà nông dân tạo ra. Nói thể bởi đa số nông dân địa phương đều tích cực áp dụng các kiến thức khoa học-kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất, nhiều mô hình sản xuất bưởi, chuối sạch theo chuẩn VietGAP được bà con triển khai và nhân rộng. Từ đây nhiều nông dân địa phương đã trở thành những ông chủ triệu phú, tỷ phú đi lên từ nông nghiệp.

Ngoài tập trung cho sản xuất nông nghiệp, những năm qua, đồng bào Raglai nơi đây còn mạnh dạn chọn những hướng đi mới, đột phá hơn để phát triển sinh kế gia đình. Theo đó, dựa vào lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của vườn Quốc gia Phước Bình cùng nền văn hóa độc đáo của đồng bào địa phương, hơn 20 hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn và kiến thức để triển khai mô hình du lịch homestay kết hợp với tham quan, trải nghiệm sinh thái thiên nhiên, văn hóa địa phương. Dù chỉ mới đi vào hoạt động tầm vài tháng qua, nhưng với sự bài bản cùng tinh thần hiếu khách của người dân, Phước Bình đang được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn là điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Trên nền tảng này cùng sự nhạy bén của nhân dân địa phương, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Phước Bình sẽ còn nhiều bước tiến xa hơn nữa không chỉ đối với ngành du lịch, nông nghiệp mà còn trên nhiều lĩnh vực khác để chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.