Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống, lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo toàn hệ thống trên địa bàn tỉnh xây dựng và kích hoạt phương án bảo đảm cho các hoạt động của từng đơn vị được liên tục trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động và giao dịch tiền mặt như khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM); thực hiện khử trùng tiền mặt thu về trước khi nhập kho và chi ra lưu thông. Đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, toàn hệ thống đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường các hoạt động trực tuyến trong giao dịch ngân hàng, nhất là thanh toán trực tuyến. Để khuyến khích người dân tăng cường sử dụng hoạt động tín dụng, các ngân hàng đã triển khai mạnh các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động; triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, miễn giảm phí sử dụng dịch vụ như miễn 100% phí chuyển khoản thanh toán, chuyển tiền, mua hàng trong cùng hệ thống ngân hàng cho các giao dịch trực tuyến; cộng thêm lãi suất gửi tiết kiệm nếu gửi online... Qua đó nâng tỷ lệ doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trong 3 tháng đầu năm chiếm 68,7% trong tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng, cao hơn 5,5% so với cuối năm 2019.
Cán bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận giải quyết kịp thời hồ sơ cho tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng hành với doanh nghiệp và người vay vốn bị thiệt hại do dịch COVID-19, các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1%/năm, đặc biệt hiện nay các ngân hàng đã triển khai gói cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng, với lãi suất giảm sâu từ 2 đến 2,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Tính đến ngày 10-4, toàn hệ thống đã cho vay ưu đãi lãi suất đối với 305 khách hàng, doanh số 1.266 tỷ đồng, gồm 57 doanh nghiệp (DN), với doanh số 589 tỷ đồng và 248 cá nhân, với doanh số 677 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã tích cực rà soát, nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Qua rà soát, toàn tỉnh có 4.991 khách hàng, với dư nợ 3.666 tỷ đồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 16,3% dư nợ cho vay. Trong đó có 155 khách hàng là DN, với dư nợ 1.460 tỷ đồng và 4.836 cá nhân, với dư nợ 2.205 tỷ đồng. Trong số này, đến thời điểm ngày 10-4, đã có 1.433 khách hàng, với dư nợ 2.438 tỷ đồng trực tiếp bị thiệt hại, gồm 125 DN, số dư nợ 1.321 tỷ đồng và 1.308 cá nhân, số dư nợ 1.117 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 54 khách hàng, với dư nợ 144 tỷ đồng, gồm 10 DN, dư nợ 88 tỷ đồng; 44 cá nhân, dư nợ 56 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 97 khách hàng, với dư nợ được miễn giảm 201 tỷ đồng, số tiền lãi miễn giảm 1,24 tỷ đồng…
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam về hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ DN và người dân có vốn vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, bố trí nguồn vốn để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, trong đó có tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện đúng chính sách; chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp, chính sách, chương trình, gói sản phẩm hỗ trợ để khách hàng vay vốn biết và phối hợp thực hiện.
Nhật Nguyên