Sức bật từ nguồn vốn khuyến công
Hoạt động hỗ trợ các DN hướng trọng tâm vào ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm đặc thù, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm thông qua chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại đã được tỉnh ta triển khai từ nhiều năm nay. Riêng trong năm 2019, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương, tỉnh đã thực hiện 10 đề án khuyến công, trong đó có 3 đề án khuyến công quốc gia và 7 đề án khuyến công địa phương, bao gồm các hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất. Tư vấn hỗ trợ DN và cung cấp thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, tham gia hội nghị kết nối “cung -cầu”, xây dựng thương hiệu.
Người tiêu dùng mua sản phẩm hàng Việt Nam tại siêu thị CoopMart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng chí Phan Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Trong năm qua, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương từng bước phát triển các ngành nghề, nhất là các nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề và các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu quảng bá rộng rãi thông qua các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố; giới thiệu trên website khuyến công và thông qua kênh thông tin đại chúng, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,2 tỷ đồng. Đơn cử, nằm trong Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến chuối và mủ trôm và Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa nhôm, Inox, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ Máy vô lốc tự động... Việc hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến đã giúp DN đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo hộ sản phẩm
Việc hỗ trợ áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất cũng được chú trọng, giúp các DN thay đổi mạnh mẽ năng lực sản xuất, gia tăng được giá trị sản phẩm sau chế biến, từ đó hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Điển hình như Đề tài “Nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm từ cừu Ninh Thuận” sau khi chuyển giao thành công công nghệ sản xuất, giúp DN Triệu Tín cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 10 mặt hàng chế biến từ thịt cừu, như: thịt cừu xông khói, tẩm gia vị, sấy dẻo, chà bông, thịt cừu viên, cà ri cừu đóng túi tiệt trùng, bột huyết cừu, snack bao tử, nước hầm từ xương cừu, paté gan cừu…
Xác định việc triển khai xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm địa phương đóng vai trò quan trọng trong gia tăng giá trị hàng hóa, Ban Phát triển OCOP và sản phẩm đặc thù tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mới 3 dự án xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu chứng nhận đối với Bò vàng Ninh Thuận, Chuối hột mồ côi Phước Bình, Măng tây Ninh Thuận. Ngoài ra, còn có 9 dự án hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Sinh, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Trúc Nguyên, cho biết: Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài việc sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng thì còn nhiều yếu tố khác như nhân lực, chiến lược kinh doanh, văn hóa DN. Để làm được điều đó, mong muốn của DN là tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ tiếp cận với công nghệ 4.0 trong sản xuất, quản lý và vận hành. Có như vậy, DN mới phát triển bền vững, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập hơn vào thị trường thế giới.
Anh Thi