Anh Huỳnh Văn Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận, cho biết: Thực hiện theo cam kết của Tổng Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với Chính phủ, từ ngày 1- 4, Công ty đã giảm giá heo hơi về còn 70.000/kg. Cùng với điều chỉnh giá bán heo hơi, công ty cũng điều chỉnh theo chiều hướng giảm 7.000/kg đối với thịt heo mảnh phân phối cho 18 cửa hàng thuộc hệ thống thực phẩm sạch CP trong toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 2- 4.
Trên cơ sở điều chỉnh giá bán từ phía Công ty, sáng ngày 2- 4, ghi nhận tại một số cửa hàng thực phẩm sạch của CP, giá thịt heo bán ra giảm 5.000- 10.000 đồng/kg các loại. Chủ cửa hàng thực phẩm sạch CP Tiến Minh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Hải, cho biết: Ngay khi công ty giảm giá heo mảnh, tôi chủ động giảm 10.000 đồng/ kg giá bán thịt heo các loại. Còn chủ cửa hàng thực phẩm sạch CP Hòa Phát trên đường Trần Phú, phường Phủ Hà lại giảm 5.000 đồng/kg. Điều này, đưa giá thịt heo tại các cửa hàng thực phẩm sạch thuộc hệ thống Công ty CP về mức 100.000- 150.000 đồng/kg.
Trái với động thái của “ông lớn” CP và các cửa hàng trong hệ thống, tại các chợ, giá thịt heo vẫn giữ nguyên mức bán như trước, dao động ở mức 120.000- 160.000 đồng/kg. Điều này cũng diễn ra tương tự tại các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, như tại hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh giá thịt ba chỉ vẫn giữ 160.000 đồng/kg, thịt nạc xay là 140.000 đồng/kg.
Lý giải tình trạng bất cập giữa giá heo hơi với giá heo thịt, nhiều tiểu thương cho rằng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số tiểu thương mua heo hơi trực tiếp từ Công ty về mổ xẻ và kinh doanh chỉ có khoảng vài người. Đa phần, thịt heo bán ra thị trường đã qua 2 đến 3 thương lái trung gian. Bởi vậy, dù giá heo hơi tại đơn vị cung cấp giảm nhưng các thương lái trung gian không giảm thì giá thịt vẫn neo cao. Phía thương lái trung gian lại cho rằng: Giá heo hơi 70.000 đồng/kg chỉ có tại các đơn vị chăn nuôi quy mô lớn, còn tại các trang trại nhỏ lẻ thì không có giá đó. Hơn nữa, đi cùng với động thái giảm giá heo hơi, các công ty lại khống chế số lượng xuất bán, khiến nguồn cung bị giảm. Cùng với đó, thương lái còn phải chịu khoản chi phí khoảng 120.000 đồng/một con heo cho quá trình vận chuyển, giết mổ, kiểm dịch và giao hàng. Một lý do chung mà các tiểu thương và thương lái đều đưa ra để lý giải thực trạng giá heo hơi giảm nhưng giá thịt bán ra không giảm đó là: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều quán ăn, nhà hàng đóng cửa, lượng heo xả như: Đầu, lòng, xương vá, đuôi, mỡ… không tiêu thụ được, nên phải neo giá thịt để bù trừ chi phí.
Dù với lý do gì đi nữa, một thực tế phải thừa nhận là, giá thịt heo trên thị trường hiện vẫn còn ở mức khá cao, trong khi đời sống người dân càng trở nên khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thiết nghĩ, nếu chỉ giảm ở khâu nguồn cung thôi thì bài toán cân đối giá thịt heo đảm bảo phù hợp với đời sống người dân là chưa đủ. Do đó, cần tính toán thêm việc cắt giảm các đầu mối trung gian, thậm chí cả việc đưa ra mức giá ở khâu bán lẻ.
Ngọc Diệp