Đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Một trong những giải pháp góp phần tạo nên thành công CVĐ tại tỉnh ta là có sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy; sự điều hành của UBND tỉnh đến các sở, ngành trong tham mưu cơ chế, hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp, góp phần thực hiện CVĐ. Cùng với đó, công tác tuyên truyền của Mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã khuyến khích nhân dân tham gia hưởng ứng.
Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đã triển khai các giải pháp thực hiện CVĐ gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết dân xây nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: Thông qua các hội nghị sơ tổng kết định kỳ, các buổi sinh hoạt ở khu dân cư lồng ghép treo panô, khẩu hiệu tuyên truyền; phối hợp thông tin, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, chương trình quảng bá những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt. Đồng thời, cảnh báo, phê phán những hành vi gian lận thương mại nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín thương hiệu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2019, Ban Chỉ đạo CVĐ đã biên tập, xuất bản 1.800 cuốn Bản tin Mặt trận, cấp phát đến từng khu dân cư; tổ chức treo 73 băng rôn tuyên truyền về Cuộc vận động nhân ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực và hình thành thói quen sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân, gia đình, cũng như khi mua sắm tài sản công đối với các cơ quan, đơn vị.
Nhiều mặt hàng Việt Nam được người tiêu dùng chọn mua tại Siêu thị Co.opMart Thanh Hà. Ảnh: V.Nỷ
Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Theo báo cáo của Sở Công Thương, thời gian qua, đơn vị đã triển khai, thực hiện chương trình bình ổn thị trường tết Nguyên đán, tổ chức ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn CVĐ trên địa bàn tỉnh. Đã tổ chức thành công 3 hội chợ cấp tỉnh, 1 hội chợ cấp huyện, 5 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, với 118 gian hàng của 58 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 17.200 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức 63 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn và 9 điểm bán hàng cố định tại các huyện phục vụ nhân dân vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia 5 hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, có 8 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết. Không dừng lại đó, Ban chỉ đạo CVĐ các huyện, thành phố còn tăng cường chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với chính quyền hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cam kết không sản xuất, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên quản lý, giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng CVĐ trong các buổi họp dân. Từ thực tế cho thấy, CVĐ đã góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình trên thị trường; tạo “cầu nối” giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận hàng Việt Nam giá rẻ, chất lượng tốt.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, khuyến khích cán bộ, đảng viên trong sử dụng hàng Việt làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo. Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn; triển khai mô hình thí điểm về xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Anh Thi