Để kích cầu tiêu dùng của người dân, các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi thu hút lượng người tiêu dùng mua sắm nhộn nhịp, góp phần làm doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.302,8 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sức mua trong tháng hai tăng đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong hai tháng đầu năm đạt 6.844,2 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 5.120,8 tỷ đồng, chiếm 74,8% tổng mức và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 16,6%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 13,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; hàng may mặc tăng 7,2%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 30,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.103,3 tỷ đồng, chiếm 16,1% và tăng 18,2%. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2,5 tỷ đồng, chiếm 0,1% và tăng 11,6%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 617,5 tỷ đồng, chiếm 9% và tăng 13,4%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong tháng 2 CPI tăng 1,42% so với tháng trước và tăng 5,38% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong mức tăng 1,42% của CPI tháng 2 có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3/11 nhóm có chỉ số giá ổn định. Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông tăng cao nhất với 4,33%. Nguyên nhân do giá nhiên liệu tăng 5,49% (giá xăng tăng 5,88%; dầu diezel tăng 5,50%), bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng cao ở mức 50,97%, dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 29,47%, như: Giá vé tàu hỏa tăng 2,5 lần, giá vé máy bay tăng 39,07%, giá vé xe khách tăng 14,04% đối với tuyến đường từ TP. Hồ Chí Minh đến Ninh Thuận do nhu cầu đi lại dịp tết Nguyên đán tăng, giá dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 2,34%, dịch vụ trông giữ xe tăng 42,13%...
Người tiêu dùng đổ xăng tại Chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ
Tiếp đến, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,93%, tập trung ở giá đồ trang sức tăng 0,92%, do tăng theo giá vàng trong nước; giá túi xách, vali, ví tăng 2,18%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 10,51%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 30,60%... do nhu cầu làm đẹp dịp Tết tăng cao... Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,74%, trong đó: Lương thực tăng 0,10% chủ yếu giá gạo tăng 0,17%; các mặt hàng thực phẩm tăng 0,66%, đặc biệt dịch vụ ăn, uống ngoài gia đình tăng 4,58% do giá thực phẩm, giá nhân công tăng trong dịp Tết, nên nhiều nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà sữa đã phụ thu thêm 10-25% so với giá bán ngày thường.
Các nhóm: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,07%, chủ yếu tăng ở các mặt hàng nhiên liệu (dầu hỏa tăng 2,71%, gas tăng 1,23%, điện tăng 0,19%), nước tăng 0,97%, nhà ở thuê tăng 2,76%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,59%, chủ yếu do giá bia, rượu tăng, trong đó, rượu các loại tăng 1,07%; bia các loại tăng 1,84%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,54%, do nhu cầu mua sắm các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép vào dịp tết Nguyên đán tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,41%, nguyên nhân do chi phí vận chuyển và sản xuất tăng, cộng với nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã làm cho một số mặt hàng tiêu dùng trong nhóm này tăng so với tháng trước. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,23%. Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại là: Thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục, không tăng không giảm. Kết quả trên đã góp phần đưa CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước.
Thục Anh