Theo chân anh Huỳnh Ngọc Hổ - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phước Dinh, chúng tôi tìm đến một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh trong vùng dự án tôm công nghiệp Sơn Hải. Ông Phạm Thanh Bình có 1,2ha đìa tôm 45 ngày tuổi đã chết sạch. Ông phân trần: “Bệnh đốm trắng phát triển nhanh lắm, mới phát hiện vài con nổi trên mặt nước, đêm tới sáng là thấy đỏ đìa rồi. Bệnh mà bùng phát chỉ có nước mất trắng chứ không cách gì cứu vãn được”. Bà Nguyễn Thị Bạn cũng có 3 đìa tôm hư hại vì bệnh đốm trắng, mất trắng gần trăm triệu đồng.
Xác định nguyên nhân tôm nhiễm bệnh, theo ông Lê Hoàng Hưng, Chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, hầu hết các diện tích bị dịch bệnh tại Sơn Hải do thả nuôi trước lịch thời vụ, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Mặt khác, việc người dân mua con giống trôi nổi trên thị trường không qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn đầu vào cũng đáng báo động. Theo thống kê, có khoảng 50ha đìa tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, nguy cơ lây lan là rất cao do mật độ ao nuôi dày, hệ thống tiêu nội đồng không đảm bảo, dòng nước xử lý ao nhiễm bệnh bị ứ đọng, khả năng khống chế dịch là hết sức khó khăn. Hướng khắc phục ban đầu của ngành NN-PTNT chỉ là hỗ trợ xử lý ao nuôi nhiễm bệnh bằng Clorin. Chi cục Nuôi trồng thủy sản tiến hành trắc lấy mẫu kiểm tra đối với toàn vùng dự án nhằm giúp bà con phát hiện sớm dịch bệnh để có hướng xử lý kịp thời. Chi cục cũng khuyến cáo thêm, hiện bệnh đốm trắng đang bùng phát ở Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam) và bắt đầu xuất hiện ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), để tránh rủi ro, bà con nên ngưng xuống giống vụ mới cho tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên diện rộng.
Diễm My