Ông Nguyễn Biểu (Tân An – Tri Hải – Ninh Hải) rầu rĩ: “Trước đây, bán 1 tấn muối thì mua được 50 kg gạo, bây giờ thì không đủ tiền xăng dầu bơm nước…” Ông Biểu làm một phép tính nhanh: với giá 250.000 đồng/tấn, 6,5 sào muối của nhà ông cứ 7 ngày thu hoạch một lần được 5 tấn, vị chi được 1.250.000 đồng. Nhưng tiền xăng dầu để bơm nước, thuê người làm... tất thảy gần 1 triệu đồng. Số tiền còn lại để lo cái ăn hằng ngày không bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Thị (Khánh Hội – Tri Hải– Ninh Hải) cho biết: “Chỉ mới tháng trước thôi, giá muối còn ở mức 450.000 – 500.000 đồng/tấn, tính tới tính lui tuy không dư nhưng cũng đủ sống, giờ giá xăng dầu, điện, công cán lên dữ quá, mà giá muối thì lại xuống thấp”.
Với năng suất tăng 40 – 50% , muối trải bạt có giá cao gấp đôi
muối nền bùn (600.000 – 700.000 đồng/tấn).
Trước bài toán cân đối giữa tiền bán muối và chi phí đầu tư sản xuất, nhiều diêm dân không dám thuê nhân công, đành “lấy công làm lời” bằng cách huy động người trong gia đình cùng nhau ra ruộng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuy giá muối thấp nhưng không có hiện tượng tồn trữ muối trong dân. Anh Trần Thanh Lâm (Khánh Tường – Tri Hải) chia sẻ: “Mới đầu vụ thu hoạch mà, dù thấp cũng phải bán, chỉ sợ người ta không thu mua thôi.”
Giải thích lý do vì sao giá muối xuống thấp, chủ Doanh nghiệp SX – TM và DV Ngọc Mai (Tri Hải – Ninh Hải) phân tích: phần lớn muối diêm dân được dùng để làm phụ liệu ướp thủy sản nhưng hiện không phải là mùa cá, mùa mực nên tình hình tiêu thụ không thuận lợi. Muối cũng vì vậy mà xuống giá. Ông Hồ Ngọc Sơn – chủ doanh nghiệp SX – TM và DV Hải Việt (Tri Hải – Ninh Hải) cho rằng, do nhu cầu của các cơ sở chế biến hải sản không cao, cộng với việc các cơ sở này đang có xu hướng ưa chuộng muối trải bạt chất lượng cao (đang được thu mua với giá từ 600.000 – 700.000 đồng/tấn - PV), nên muối diêm dân bị …“thất sủng”. Hiện cơ sở này vẫn còn tồn hơn 500 tấn muối diêm dân. Tuy giá muối thấp nhưng vẫn thu mua bình thường.
Việc các cơ sở, doanh nghiệp vẫn thu mua muối diêm dân là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu về dài cần nghĩ tới một phương án hiệu quả, bền vững hơn, mà chuyển đổi công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là mấu chốt của vấn đề.
Ông Trần Hữu Nhân – Trưởng phòng NN – PTNT huyện Ninh Hải cho biết chính quyền rất quan tâm khuyến khích bà con diêm dân chuyển đổi kỹ thuật làm muối từ ruộng bùn sang trải bạt, vì mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Nhưng để có một ruộng muối trải bạt đúng kỹ thuật, đòi hỏi chi phí đầu tư khoảng 800 triệu đồng/ha. Nhiều bà con vẫn còn rất dè dặt.” ông Nhân nói.
Rõ ràng, cũng như giá các mặt hàng khác, muối cũng không thoát khỏi quy luật cung cầu của thị trường. Nhưng với định hướng phát triển lâu dài vùng nguyên liệu muối ở Ninh Hải, việc đảm bảo cho diêm dân được hưởng lợi từ chính đồng muối là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi có sự trợ giúp từ địa phương và các ngành chức năng của tỉnh.
Bảo Bình - Hồng Nhạn