Du khách tham quan các sản phẩm đồ gỗ được trưng bày tại Hội chợ triển lãm
đồ gỗ và lâm sản Việt Nam 2011 tại TP Quy Nhơn.
Mãn nhãn với hàng “độc”
Những ngày qua, không khí lễ hội tại TP Quy Nhơn nóng dần lên cùng với hàng loạt chuyến xe chở các sản phẩm đồ gỗ, đặc biệt là các mặt hàng trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ… kéo về quảng trường lớn trên đường Nguyễn Tất Thành. Ấn tượng nhất đối với người dân và du khách chính là những bộ bàn ghế, giường nằm… được chế tác tinh xảo đến từng chi tiết.
Với truyền thống chế biến, điêu khắc độc đáo, đoàn doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã mang đến festival những sản phẩm trang trí nội thất được chế tác từ gỗ lũa đầy vẻ huyền bí và quý phái. Doanh nghiệp tư nhân Cao Minh Hiếu (Gia Lai) triển lãm tại hội chợ 4 bộ bàn ghế gỗ lũa, bộ cao nhất được rao bán với giá 175 triệu đồng, bộ thấp nhất 65 triệu đồng.
Anh Cao Minh Hiếu cho biết: “Để có một bộ bàn ghế kiểu này đòi hỏi một sự kỳ công và đầy duyên nợ. Trước nhất là phải có đôi mắt “nhà nghề” để tìm mua những gốc gỗ trắc bị chết từ hàng trăm năm trước do những người chuyên đi săn lùng trong rừng sâu mang về.
Khi có được gốc gỗ cần thiết, 3 người thợ, mà lẽ ra họ phải được gọi là nghệ nhân, miệt mài lao động, sáng tạo cả tháng trời mới có thể hoàn thành… Những bộ bàn ghế “độc” này được bán với giá rất cao nên chỉ có người lắm tiền mới mua được và vì thế nên yêu cầu về triết lý nhân sinh, kích thước, kiểu dáng, chất liệu… cũng rất cao”.
Hoành tráng nhất phải kể đến bộ bàn (gồm 9 chiếc ghế) làm bằng gỗ lũa sầu đông của Công ty TNHH MTV Sơn Phước (TP Tuy Hòa, Phú Yên). Mặt bàn dài 5m, nơi rộng nhất của bề ngang 2,2m, nơi hẹp nhất là 1,7m. Trong gian hàng của đơn vị Sơn Phước còn có một sản phẩm thuộc loại “hàng khủng” là chiếc lục bình cao 5,6m và hàng chục tác phẩm tranh gỗ lũa rất độc đáo.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Phước, cho biết: “Tác phẩm lục bình triển lãm lần này là “anh em song sinh” với tác phẩm lục bình “Thăng Long” làm bằng một gốc cây nguyên khối cao 5,35m đã được trưng bày tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và đã được trao kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2010. Với tác phẩm lục bình triển lãm lần này, tôi chỉ bán nếu ai trả trên 220 triệu đồng”. Ngoài các đồ trang trí nội thất, các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời, sinh vật cảnh, cây kiểng… và các loại máy móc, thiết bị chế biến gỗ cũng được trưng bày tại hội chợ triển lãm này.
Tìm kiếm những cơ hội mới
Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ nhất - Bình Định năm 2011 diễn ra từ ngày 26 đến 28-3, có trên 150 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham dự với hơn 500 gian hàng. Festival sẽ có những hoạt động chính như lễ khai mạc và bế mạc; giải cầu lông; tham quan, giao lưu, xúc tiến ký kết kinh doanh; tham quan các khu rừng trồng, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại KCN Phú Tài; khai mạc “Con đường trực quan” - mô hình con đường “Lâm sản Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế”; Diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam 2011… Lễ khai mạc festival sẽ diễn ra vào 20 giờ tối nay.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với cách đây 10 năm và đã vươn lên chiếm vị trí thứ 5 trong những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Cả nước hiện có trên 2.500 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, trong đó có 970 doanh nghiệp chuyên chế biến đồ gỗ xuất khẩu, hơn 400 doanh nghiệp FDI...
Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam không ngừng được mở rộng, nếu như năm 2003 chỉ có mặt tại 60 quốc gia thì đến nay đã có mặt trên thị trường của 120 quốc gia. Trong đó 3 thị trường chính chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ (chiếm 38% - 44%), EU (chiếm 28% - 30%) và Nhật Bản (chiếm 12% - 15%).
Tuy nhiên, không ít người sẽ “đau lòng” khi biết hơn 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam phải bán qua các thị trường trung gian trong thế bị động và sự sống còn luôn phụ thuộc vào các kênh phân phối này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ nội thất tại thị trường nội địa mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ USD nhưng gần 80% trong số đó là hàng của các nước Trung Quốc, Malaysia...
Nhiều doanh nghiệp gỗ cho rằng, ngoài việc duy trì khả năng tiêu thụ trên các thị trường đã có, các doanh nghiệp gỗ cần đẩy mạnh phát triển các thị trường mới như các quốc gia Tây Á, khu vực Đông Âu… và thị trường trong nước.
Với chủ đề “Lễ hội lâm sản Việt Nam - hội nhập và phát triển bền vững”, mục tiêu của festival lần này là đáp ứng những nhu cầu bức thiết nhất của doanh nghiệp ngành gỗ. Trong khuôn khổ của festival sẽ có các hoạt động như tham quan, giao lưu giữa các doanh nghiệp gỗ; xúc tiến ký kết kinh doanh; Diễn đàn lâm sản Việt Nam 2011… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trồng rừng, nhà sản xuất, nhà quản lý… ngồi lại với nhau, cùng bàn tính để tìm ra hướng phát triển mới, thích hợp hơn cho ngành gỗ Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, Trưởng ban tổ chức Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ nhất, cho biết: “Festival nhằm khẳng định và phát huy vai trò, tiềm năng của lâm sản Việt Nam (gồm trồng, quản lý, khai thác, chế biến, tiêu thụ…) trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; tôn vinh các nhà khoa học, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà quản lý và đồng bào có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành lâm sản Việt Nam. Đồng thời, festival sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các nhà kinh doanh lâm sản với các đối tác trong và ngoài nước”.
Nguồn Báo SGGP