Thuốc lá và những hệ lụy
Trên thế giới, mỗi năm có hơn 7 triệu người chết do hút thuốc lá. Con số này dự báo sẽ tăng lên 8 triệu người/năm vào năm 2030 nếu không có biện pháp quyết liệt. Hút thuốc lá là mối đe dọa đối với bất kỳ người nào, bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, trình độ văn hoá hay trình độ học vấn. Hút thuốc lá mang lại đau khổ, bệnh tật và tử vong, làm gia đình bần cùng và nền kinh tế quốc gia suy yếu. Hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Do đó, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm.
Cùng với tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá cũng làm kinh tế quốc gia tổn thất nặng nề do chi phí chữa bệnh tăng và năng suất lao động giảm. Nó còn khiến tình trạng bất bình đẳng y tế thêm tồi tệ và đói nghèo thêm trầm trọng, vì những người nghèo nhất hút thuốc lá đồng nghĩa với việc chi ít hơn cho những thứ thiết yếu như thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ. Do đó nó cũng là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Và khoảng 80% số ca tử vong sớm do thuốc lá là ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ đã xếp khói thuốc lá vào nhóm A trong bảng danh sách các chất gây ung thư. Còn theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. WHO đã thống kê, có 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá và hút thuốc là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Người hút thuốc lá càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thư phổi càng cao, càng nghiêm trọng.
Cũng theo WHO, tỷ lệ người mắc ung thư phổi đã tăng khá nhanh trong vòng 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư khác và điều này cho thấy có sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng lên.
Ngoài ra, tác hại của khói thuốc lá không chỉ đối với người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh - những người được coi là bị hút thuốc lá “thụ động”. Khi tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cũng rất cao. Trên toàn cầu, ước tính có 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi vì bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới do khói thuốc lá. Những người sống ở tuổi trưởng thành tiếp tục chịu hậu quả về sức khỏe khi từ nhỏ đã phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, vì nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên ở trẻ nhỏ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở tuổi trưởng thành.
96,8% các ca ung thư phổi ở Việt Nam liên quan đến thuốc lá
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng trên 20 triệu nam giới hút thuốc lá - một con số rất lớn và với con số đó, Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Thuốc lá đã gây ra bệnh tật và khiến cho khoảng 40.000 người Việt tử vong mỗi năm. Tỷ lệ mắc bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá ở Việt Nam chiếm tới 96,8% (theo số liệu của bệnh viện Ung bướu Trung ương).
Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trên người trưởng thành ở Việt Nam, số tiền người dân Việt Nam chi ra để mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra (như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) là 24.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt ở Việt Nam vẫn còn hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá, hút thuốc thụ động. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai về nhóm trẻ phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại gia đình của bệnh nhi từ 0-5 tuổi đến khám tại Khoa Nhi của Bệnh viện cho thấy, tỷ lệ bệnh nhi phơi nhiễm với khói thuốc lá chiếm khoảng 45%. Đây cũng chính là căn nguyên dẫn đến các em bị mắc các bệnh đường hô hấp. Còn với nghiên cứu về thực trạng tiếp xúc với khói thuốc lá của phụ nữ mang thai đến khám tại Khoa Phụ sản của Bệnh viện, cho thấy 93% số sản phụ thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá. Trong khi đó, theo các nghiên cứu trên thế giới, phụ nữ hút thuốc sẽ làm giảm 13% khả năng thụ thai và làm tăng 50% nguy cơ sảy thai và thai chết lưu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm khói thuốc lá có nguy cơ đột tử cao gấp 2 đến 4 lần so với trẻ không tiếp xúc với khói thuốc.
Hành động kịp thời để giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá
Năm nay, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” nhằm tăng cường nhận thức về: Tác động tiêu cực của thuốc lá đối với sức khỏe con người đặc biệt là các bệnh về phổi, mà điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; Vai trò quan trọng của phổi cho sức khỏe và hạnh phúc của tất cả mọi người. Thông qua chủ đề này, WHO cũng muốn kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá. Đồng thời là một lời kêu gọi hành động, ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá và thu hút các bên liên quan trên nhiều lĩnh vực trong cuộc chiến kiểm soát thuốc lá.
Tại Việt Nam, hằng năm Bộ Y tế đều tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-5 đến 31-5) và các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá.
Theo đó, để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019, đồng thời nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phổ biến và chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện. Đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động… Đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, treo biển cấm hút thuốc tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo lĩnh vực được phân công, các bộ, ngành thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời lồng ghép nội dung kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội.
Năm nay Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất những “thông điệp kêu gọi hành động” như:
- Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc tại nơi làm việc.
- Không hút thuốc vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu.
- Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ung thư phổi.
- Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh và từ vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Hãy nhắc người hút thuốc không hút gần mình và những người xung quanh
- Hãy gọi 1800-6606 để được tư vấn cai thuốc lá miễn phí.
Theo TTXVN