Là địa chỉ tin cậy, trải qua 8 năm hình thành và phát triển, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã tiếp nhận, hỗ trợ, giúp hàng chục trẻ khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống, trong học tập, nhất là tạo cho các em những kỹ năng để hòa nhập cộng đồng.
Theo cô giáo Nguyễn Ngọc Mỹ Hoa, Hiệu trưởng, Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, hiện trường có 7 cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm nhận nuôi dạy 60 trẻ khuyết tật từ 3 đến 15 tuổi; trong đó, có 14 em bị khiếm thính, còn lại mắc các chứng Down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, tăng động… Do đó, việc trao đổi thông tin với các em không hề đơn giản, phải thông qua cử chỉ, thậm chí dùng ký hiệu riêng. Tùy theo khả năng nhận thức của các em mà có những bài học phù hợp như tập viết, tập đọc, làm toán, vẽ, kỹ năng tự lực…
Cô và trò Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai. Ảnh: Lâm Anh
Dự một tiết học, chúng tôi mới hiểu nỗi vất vả của giáo viên nhà trường khi phải kiên nhẫn từng giờ, uốn nắn từng con số, nét chữ cho những đứa trẻ khiếm thính, thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Thế mới thấy, việc dạy và học của thầy trò nơi đây đòi hỏi cả sự kiên nhẫn, nỗ lực, tình thương và trách nhiệm. Mỗi lớp học chỉ có 5-10 học sinh nhưng giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để có thể giúp các em hiểu, nhớ. Có lớp khiếm thính, giáo viên chỉ dạy một từ mà đôi khi cô trò phải lặp lại hàng tiếng đồng hồ, học sinh mới "nói" được; hoặc mới có thể "viết" được. Hay như việc dạy các em tự làm được những việc tưởng chừng đơn giản như rửa mặt, đi vệ sinh, thay quần áo, tắm rửa, xếp dọn đồ chơi… các cô phải kiên trì dạy bảo, tập luyện cho các em cả năm mới làm được. Có một số kỹ năng mà các cô giáo phải lặp đi, lặp lại đến cả hàng trăm lần thì các em mới có thể bắt chước được.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Dung, phụ trách lớp Thỏ Trắng, gương mặt lấm tấm mồ hôi tâm sự: Nhớ lại ngày đầu dạy dỗ những đứa trẻ “đặc biệt” này, dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành Giáo dục đặc biệt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang nhưng tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ khi các em tỏ ta bốc đồng, không hợp tác.. Nhiều ngày suy nghĩ tôi nhận ra muốn dạy được trẻ, thì trước tiên phải hiểu các em nói gì, thế là tôi tìm tòi học ngôn ngữ ký hiệu. Rồi tiếp cận các em bằng cách hướng dẫn nhiều bài hát bằng ký hiệu, giúp cô trò cởi mở hơn. Để động viên các em tham gia hoạt động tập thể, các cô giáo ở trường luôn phải rèn luyện tính kiên nhẫn, phải nghĩ ra nhiều trò chơi nhằm giúp các em thoải mái, vui vẻ hơn. Được tham gia nhiều hoạt động thường xuyên, giờ các em đã mạnh dạn hơn rất nhiều.
Trong quá trình học tập tại trường, nhờ tình thương, sự tận tâm dạy dỗ của các cô, rất nhiều trẻ khuyết tật đã được khơi dậy kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt, học tập, cải thiện sức khỏe cũng như nhận thức. Nhiều em trước khi vào trường không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ, nhưng sau một thời gian đã có thể nói được, một số em đã nhận biết được mặt chữ, biết tô chữ; nhiều em đã đọc, viết và làm được các phép tính đơn giản. Có những em trước đây không thể vận động hay đi lại, nhưng nhờ được tập vật lý trị liệu, các em đã có thể đi lại gần như bình thường. Điển hình như em Diệu Tú, 13 tuổi, học sinh lớp Sóc Nâu, bị mắc chứng tự kỷ. Sau 5 năm học tập, đến nay em đã học xong chương trình tiếng Việt lớp 1, biết múa, biết hát, tự tin giao tiếp với giáo viên, bạn bè…
Tiếp xúc với các em trong giờ giải lao, chúng tôi cảm nhận được sự mặc cảm, tự ti trong các em đã và đang được thay thế bằng sự hồn nhiên và sự tự tin hòa nhập với mọi người như nhiều trẻ em khác. Cô giáo Nguyễn Ngọc Mỹ Hoa tự hào: Chúng tôi rất vui khi có nhiều trẻ khuyết tật sau khi học tập tại trường đã mạnh dạn hòa nhập cộng đồng, vượt qua số phận, nhiều em theo học lên cao, có công việc ổn định … Có được kết quả đó là nhờ mỗi giáo viên, nhân viên ở trường luôn coi trẻ khuyết tật là con em ruột thịt để giáo dục bằng tất cả tình thương yêu. Trong thời gian tới, Trường sẽ luân phiên cử giáo viên vào TP. Hồ Chí Minh tham dự các khoá đào tạo ngắn hạn dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật để nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Tuy nhiên, điều tâm tư của các giáo viên Trường Giáo dục chuyên biệt Tương lai là khi các em đủ 16 tuổi sẽ phải rời trường để về với gia đình. Khi đó, nếu không có nơi để tiếp tục giúp rèn luyện thêm kỹ năng, không biết cuộc sống sau này của các em sẽ ra sao? Chúng tôi mong rằng tới đây, trên địa bàn tỉnh sẽ có trung tâm đào tạo nghề, hay hướng nghiệp riêng cho người khuyết tật vị thành niên, để các em sau khi rời trường, hoặc các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật khác, sẽ tiếp tục có nơi để theo học nghề, tham gia lao động, sản xuất, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Xuân Nguyên