Tính đến ngày 20-5, dịch đã xuất hiện tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng lượng lợn phải tiêu hủy lên đến 1,5 triệu con, (chiếm 5% tổng đàn) và chưa có dấu hiệu chững lại. Tại Khánh Hòa, địa phương giáp ranh với tỉnh ta cũng đã xuất hiện ổ dịch tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc huyện Diên Khánh và tái dịch sau chưa đầy 30 ngày. Điều này cho thấy nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn tỉnh ta, gây thiệt hại cho người chăn nuôi là rất cao.
Các trại chăn nuôi lợn ở xã Phước Trung (Bác Ái) vệ sinh, khử trùng phương tiện, vật nuôi trước khi vận chuyển.
Nhằm chủ động phòng dịch từ xa và kiểm soát các tuyến vận chuyển lợn vào địa bàn, tỉnh ta đã tăng cường lực lượng, thành lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời trên các tuyến quốc lộ. Tại Trạm Kiểm dịch động vật Quốc lộ 1A (Thuận Bắc), lực lượng chức năng đã thường xuyên túc trực kiểm soát lượng xe chở lợn và các sản phẩm từ lợn được vận chuyển qua địa bàn. Theo cán bộ của Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc, từ khi có kế hoạch triển khai thực hiện việc phòng ngừa DTLCP xâm nhập vào địa bàn, tất cả các phương tiện vận chuyển gia súc qua trạm đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về giấy tờ nguồn gốc xuất xứ và được phun thuốc tiêu độc khử trùng; qua đó kết hợp tuyên truyền vận động người dân, các thương lái thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát động vật, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đủ các giấy tờ kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Trước tình hình DTLCP tiếp tục diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống DTLCP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời hỗ trợ, cấp pháp thuốc tiêu độc khử trùng gồm 12.578 lít thuốc sát trùng (benkocid) và hơn 8.300 kg vôi bột để các địa phương tổ chức phun xịt tập trung và cấp cho các hộ chăn nuôi sử dụng. Hiện đã có 65/65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức các đội phun xịt tại các khu vực chăn nuôi hộ gia đình, cơ sở giết mổ động vật, các khu vực buôn bán gia súc, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm. Ngoài ra các hộ dân còn tự phun xịt dưới sự giám sát của cán bộ phụ trách nông nghiệp địa phương.
Tại địa bàn thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái), nơi tập trung khá nhiều các trại chăn nuôi lợn, các chủ trại nuôi đã chủ động phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại và cổng ra vào nhằm phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty CP Ninh Thuận cho biết: Từ tháng 12-2018, khi có thông tin DTLCP đang có nguy cơ bùng phát, chúng tôi đã thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống như: tăng tần suất tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại, cho ăn những thức ăn của các thương hiệu uy tín, đảm bảo; thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn lợn để có chế độ dinh dưỡng hợp lý và phòng trừ bệnh kịp thời. Bên cạnh việc tiêu độc, khử trùng để ngăn chặn dịch bệnh, chúng tôi còn thực hiện phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” hạn chế người và phương tiện ra vào trại, nên các trại chăn nuôi đều đảm bảo an toàn, đàn lợn nuôi phát triển ổn định.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có trên 90.340 con lợn, chiếm khoảng 0,32% tổng đàn lợn của cả nước. Trong đó, có 39 trang trại và 128 gia trại chăn nuôi tập trung với 47.560 con lợn (chiếm 41,9% tổng đàn) và gần 10 ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi 42.780 con (chiếm 58% tổng đàn lợn của cả tỉnh). Ông Trương Khắc Trí, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Do tỷ lệ đàn lợn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, xen kẽ trong các khu dân cư, không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa và nuôi lợn thả rong tại một số địa phương vẫn diễn ra làm tăng nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh rất khó kiểm soát. Do đó, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa; tích cực tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về tác hại của dịch bệnh, vận động nhân dân thực hiện 5 không (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết, lợn bệnh ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để làm thức ăn cho lợn).
Theo khuyến cáo của của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra đối với mọi loại và lứa lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%; vi-rút gây bệnh có sức đề kháng cao với môi trường. Trong khi đó, hiện nay chưa có vắcxin phòng và thuốc điều trị. Vì vậy, để ngăn chặn DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn cần thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng các vùng nuôi, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc; tăng cường giám sát theo dõi lâm sàng đối với đàn lợn, kịp thời phát hiện cách ly đối với lợn bị bệnh. Khi xuất hiện bệnh kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng tổ chức khoanh vùng xử lý dịch theo đúng quy định.
Anh Tuấn