Năm 2017, qua tìm hiểu từ các trang mạng điện tử khi thấy nông dân các tỉnh khác dùng cách làm nhà lưới trồng táo hạn chế rất nhiều bệnh và tạo ra sản phẩm sạch. Từ nguồn vốn của gia đình, anh Trí đã mạnh dạn lên Lâm Đồng tìm hiểu, học hỏi cách làm nhà lưới và mua lưới về bao trùm trên diện tích 3 sào táo nhà mình. Anh Trí cho biết, với cách làm này, không bị ruồi vàng đục trái gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất mà còn tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Nếu như trước đây vào mỗi lần thu hoạch, với 3 sào, tôi thu được khoảng 8 tấn trái thì do bệnh ruồi đục trái nên bị hư, phải bỏ hết gần một nửa cho gia súc ăn nên không có sản lượng. Nhưng khi áp dụng mô hình phủ lưới, khi thu hoạch quả táo không bị hư hại nhiều, cho năng suất cao, cùng với đó là sản phẩm được thương lái thu mua với giá cao hơn do sản phẩm sạch. Nhờ vậy vào mỗi mùa vụ tôi thu về hơn 120 triệu đồng cao hơn rất nhiều so với trồng táo thường không bao phủ lưới. Hiện nay gia đình đã mở rộng bao phủ lưới lên diện tích 1ha.”
Là người đầu tiên áp dụng mô hình làm nhà lưới trồng táo trên địa bàn, cũng theo anh Trí, mô hình có chi phí lắp đặt hơn 10 triệu/sào, chỉ sau một mùa vụ thu hoạch, người trồng táo có thể thu được vốn đầu tư. Chính vì sự mạnh dạn trong cách làm của mình nên khi vườn táo của anh Trí nằm trên diện tích thiếu nước sản xuất, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 250 triệu đồng bắt đường ống dẫn nước 300m từ kênh Bắc về rẫy sản xuất để chủ động nước và đào ao tích trữ nước cho mùa hạn.
Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Anh Nguyễn Trí là hộ nông dân tiêu biểu luôn mạnh dạn, đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Với mô hình làm nhà lưới trồng táo, nhiều hộ nông dân đã học hỏi cách làm của anh Trí để áp dụng trên diện tích vườn táo nhà mình.
Kim Thùy