Đến thời điểm này, hầu hết diện tích lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh, một số đã bắt đầu làm đòng. Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT ) nhận định: “So với năm ngoái, thời tiết năm nay có phần thuận lợi hơn. Đặc biệt, sau cơn lũ đầu tháng 11-2010, một lượng lớn phù sa từ thượng nguồn đổ về, bồi đắp thêm cho ruộng vườn của bà con nên nguồn dinh dưỡng trong đất được cải thiện đáng kể”.
Ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật khẳng định: “Điều đáng mừng là đến thời điểm này tình hình sâu bệnh diễn biến khá ổn định, nằm trong tầm kiểm soát.” Cũng theo ông Thựu, ngay từ đầu vụ, Chi cục đã có văn bản hướng dẫn các huyện về các biện pháp phòng, chống các đối tượng sâu bệnh trên cây lúa. Đồng thời, các cán bộ kỹ thuật ở các trạm cũng được cử đến phối hợp với mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở bám sát đồng ruộng, điều tra tình hình sâu bệnh, kết hợp với đốt bẫy đèn để làm tốt công tác dự tính, dự báo. Trên cơ sở đó, thông báo, cảnh báo cho các địa phương, cùng lúc hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời trên phạm vi nhỏ.
Nông dân Phước Hậu thí điểm chương trình “một phải, năm giảm” để giảm chi phí sản xuất
và tăng năng suất lúa vụ đông - xuân.
Dọc dài những ruộng lúa tại một số vùng chuyên canh trọng điểm của tỉnh như Phước Hậu (Ninh Phước), Xuân Hải (Ninh Hải), người ta dễ dàng bắt gặp một màu xanh rì của những thân lúa cứng cáp đương thì “con gái”, căng tràn nhựa sống.
Anh Lưu Quang Vinh (cán bộ Khuyến nông xã Phước Hậu – Ninh Phước) cho biết: “Vụ lúa đông - xuân năm nay, toàn xã có 900 ha lúa được gieo, trong đó có 120 ha lúa giống. Nhờ kiểm soát tốt sâu bệnh nên đến thời điểm này, tình hình sinh trưởng của cây lúa có thể được coi là rất tốt”. Cũng theo anh Vinh, giai đoạn mới gieo, một số diện tích lúa thường bị ngộ độc hữu cơ. Nguyên nhân là do thời gian gặt vụ trước và gieo vụ sau quá gấp nên rơm rạ chưa kịp tiêu hủy vào đất. Tình trạng này được khắc phục theo thời gian phân rã. Còn hiện nay, một số ít lúa bị vàng lá sinh lý do thời tiết, tuy nhiên không có gì đáng ngại, cây lúa sẽ tự khắc phục khi trời ngớt gió.
Tại xã Xuân Hải (Ninh Hải), những đồng ruộng xanh ngút ngàn trải dài tít tắp. Theo từng cơn gió, những dợn sóng dập dìu xô mãi những phiến lá lúa xanh rì, cứng chắc. Anh Thân Nguyên Thắng (cán bộ Khuyến nông xã) vui vẻ: “Với 864 ha lúa đông - xuân năm nay, toàn xã đã thực hiện gieo đồng bộ từ khoảng giữa tháng 12-2010. Đến giai đoạn đẻ nhánh này, bà con thường lo ngại về sâu cuốn lá và rầy nâu, còn bệnh thì chủ yếu là đạo ôn và khô vằn. Chúng tôi đang triển khai các biện pháp theo dõi tình hình dịch bệnh để chủ động, kịp thời yêu cầu bà con sử dụng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, đúng lúc, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Cơ bản hiện lúa phát triển rất tốt, nhìn chung rất khả quan.”
Đây thật sự là dấu hiệu rất đáng mừng cho vụ lúa đông - xuân năm nay. Lão nông Huỳnh Của (thôn Hoài Nhơn - Phước Hậu) khấp khởi vui mừng: “Cứ đà lúa tốt kiểu này là cuối vụ cũng được khá đây …”.
Nhìn những thân lúa cứng cáp với phiến lá xanh mướt như hứa hẹn một mùa vụ tràn đầy niềm vui. Xa tít, dải màu xanh mượt mà cứ trải dài mãi, điểm xuyến là những cánh cò trắng phau. Lúa đang lớn, từng ngày…
Hồng Nhạn