KHUYẾN NÔNG:

Cảnh giác với bệnh đạo ôn hại lúa

Hiện nay, đa số lúa đông xuân ở các tỉnh Nam bộ đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng trỗ, đây là thời kỳ dinh dưỡng đạm của cây lúa rất mạnh, vì thế cây lúa rất dễ bị bệnh đạo ôn gây hại nặng.

Do lúa được giá cao, nên từ đầu vụ bà con đã đầu tư nhiều phân bón để mong được trúng mùa. Mặc dù cây lúa hiện rất xanh tốt, nhưng theo lịch thì lại đã đến thời kỳ rước phân đợt 3 (40-45 ngày sau sạ), lượng phân bón sẽ còn tiếp tục được tăng cường, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển và gây hại mạnh. Đó là chưa kể hầu hết các giống lúa được gieo trồng vẫn chỉ là những giống không kháng hoặc nhiễm nặng với bệnh đạo ôn.

Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, những ngày vừa qua thời tiết ở các tỉnh Nam bộ khá lạnh, nhiều nơi đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, điều kiện này rất phù hợp cho bệnh đạo ôn. Diện tích nhiễm bệnh đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây và so với cùng kỳ năm trước. Đã có hiện tượng bệnh gây cháy cục bộ trên trà lúa đẻ nhánh rộ ở một số nơi của Kiên Giang, An Giang…

Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán, bà con Nam bộ đang tập trung cho những công việc chuẩn bị đón Xuân vui Tết. Kinh nghiệm cho thấy thời gian này bà con ta thường mất cảnh giác, ít quan tâm đến ruộng lúa nhà mình, vì thế đã có những năm bị sâu bệnh gây hại rất nặng… trong đó có bệnh đạo ôn.

Để hạn chế tác hại của bệnh một cách chủ động, bên cạnh việc chuẩn bị đón Tết và vui Xuân, bà con cần kiểm tra ruộng lúa nhà mình thường xuyên để phát hiện sớm và phun xịt thuốc phòng trị bệnh kịp thời.

Để không bị lầm lẫn giữa bệnh đạo ôn với những bệnh thông thường khác, chúng tôi xin nêu một số đặc điểm chính về triệu chứng của bệnh trên đồng ruộng, để bà con dễ nhận biết và phát hiện bệnh.

- Trên lá: Bệnh gây hại chủ yếu ở giai đoạn mạ-đẻ nhánh. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, mầu xám xanh giống như bị nước sôi, sau đó chuyển sang mầu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi (hình mắt én) xung quanh mầu nâu đậm, giữa mầu xám trắng (xem ảnh). Khi bệnh phát triển mạnh nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm cho chỗ bị bệnh bị cháy khô. Nếu nặng cả lá bị cháy khô, cây lúa bị lụi xuống, gặp trường hợp này ruộng lúa sẽ bị thất thu năng suất nghiêm trọng.

-Trên cổ bông, đốt thân: Nấm bệnh tấn công trên đốt thân, trên cổ bông và trên gié lúa, cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi hạt, khiến cho hạt lúa bị lép lửng. Nếu bệnh tấn công sớm có thể làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn. Chỗ bị bệnh lúc đầu cũng có mầu xám xanh sau đó chuyển dần sang mầu nâu, nâu đậm. Trên cổ bông, nếu gặp ẩm độ không khí cao, ẩm ướt chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc mầu xám xanh, nếu trời khô vết bệnh sẽ khô tóp lại. Gặp gió to chỗ vết bệnh bị gẫy gập, ruộng lúa trở nên xơ xác.

-Trên hạt: Vết bệnh có hình đốm tròn, viền nâu, tâm mầu xám trắng, đường kính khoảng 1-2 mm. Nếu bệnh tấn công sớm sẽ làm cho hạt lúa bị lép lửng.

Khi đi kiểm tra, bà con nhớ phải lội hẳn xuống ruộng kiểm tra nhiều điểm theo đường chéo góc trên ruộng. Tại mỗi điểm bà con cần vạch lá xem xét kỹ từng bụi lúa, nhất là những chỗ lúa tốp lốp gần bờ, xung quanh các đường nước… vì nơi đây thường là những chỗ bệnh phát sinh sớm nhất so với những chỗ khác trong ruộng. Có như vậy mới không bỏ sót bệnh, nhất là khi bệnh mới chớm phát sinh vết bệnh chưa điển hình, chưa rõ ràng.

Nếu ruộng lúa nhà mình đang ở thời kỳ cuối đẻ nhánh làm đòng và thời kỳ trước sau trỗ, hoặc lúa đang bị tốt lốp, nhất là ruộng nhà mình đã gieo trồng giống lúa nhiễm bệnh (như một số giống lúa thơm)... thì bà con cần hết sức chú ý.

Khi phát hiện thấy chớm có bệnh bà con phải ngưng ngay việc bón đạm và không được để cho ruộng bị khô nước. Đồng thời tiến hành phun xịt thuốc ngay.

Hiện nay thuốc dùng để trị bệnh đạo ôn có khá nhiều loại, bà con có thể dùng một số loại như: Trizole 20WP/75WP/75WDG; Lúa vàng 20WP; KiSaigon 50ND; Saipan 2SL, Vikita 50ND; Fuan 40EC; Rabcide 30WP…

Ở giai đoạn sắp trỗ đến trỗ lẹt xẹt, nếu thấy thời tiết thuận lợi cho bệnh thì phun một đợt thuốc ngừa bệnh tấn công trên cổ bông, bông và hạt lúa, và phun tiếp lần hai sau đó khoảng 10-15 ngày (bà con nhớ là phải phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để không ảnh hưởng đến thụ phấn của bông lúa). Ngoài đạo ôn, đợt phun này còn có tác dụng hạn chế lem lép hạt.

* Khi sử dụng thuốc bà con phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đặc biệt là phải đủ lượng nước như khuyến cáo của nhà sản xuất để nước thuốc được trải đều trên toàn bộ trên ruộng và trên cây lúa. Tuyệt đối không pha thêm những loại phân bón lá có tỷ lệ đạm cao phun xịt cùng với thuốc. Để thuốc bám dính tốt, không phun xịt khi lá lúa còn ướt sương.
 

(Theo Báo NNVN)