(NTO) Tỉnh ta hiện có khoảng gần 5.000 doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề, hợp tác xã hoạt động ở các lĩnh vực: Chế biến nông sản, nước mắm, rượu nho, dệt thổ cẩm, gốm, may công nghiệp, sản xuất nước đá, đồ mỹ nghệ... Để tạo động lực cho các ngành nghề nói trên phát triển, hằng năm, thông qua nguồn vốn Chương trình Khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, tỉnh ta đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để thực hiện các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Chỉ tính trong năm 2018, trung tâm đã phối hợp triển khai 3 đề án khuyến công quốc gia và 5 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 841 triệu đồng (trong đó, khuyến công quốc gia 550 triệu đồng; khuyến công địa phương 291 triệu đồng). Đến nay, một số đề án đã được hoàn thành nghiệm thu đưa vào hoạt động như: Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong quy trình chế biến nước mắm cho Công ty TNHH Thái Phong Seafood tại huyện Thuận Nam; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản cho hộ kinh doanh Thùy Trang tại Tp.Phan Rang – Tháp Chàm; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nho cho cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi... Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí lao động mà sản phẩm còn đạt chất lượng tốt hơn.
Hệ thống máy sản xuất cửa nhôm của Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Tín Nghĩa được đầu tư mới tăng năng suất gấp 5 lần so với trước.
Trên cơ sở khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ cho Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Tín Nghĩa, địa chỉ số 23 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Văn Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm thực hiện ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, mới 100% vào quy trình sản xuất cửa nhôm. Số lượng máy móc, thiết bị được hỗ trợ ứng dụng gồm: 1 máy cắt nhôm 2 đầu chính xác 9 hiển thị số, năng suất 200 kg/giờ; 1 máy ép góc kiểu lưỡi gà thụt, năng suất 30 sản phẩm/giờ; 1 máy phay đầu đố nhiều thanh, năng suất 30 sàn phẩm/giờ; 1 máy phay lỗ khóa tốc độ cao, năng suất 30 sản phẩm/giờ; 1 máy hàn hai đầu, năng suất 200 kg/giờ và 1 máy cắt nẹp, năng suất 30 sản phẩm/giờ. Thông qua đề án đã giúp đơn vị thụ hưởng không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công lao động trong sản xuất, mà còn tăng năng suất gấp 5 lần sau khi đầu tư; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại.
Thông qua nguồn vốn khuyến công, hằng năm Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn phối hợp tổ chức nhiều Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đào tạo kỹ năng bán hàng cho các doanh nghiệp... Riêng trong năm 2019, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã xây dựng đề án chi tiết, trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt 5 đề án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,9 tỷ đồng; trình UBND tỉnh phê duyệt 7 đề án thuộc chương trình khuyến công địa phương, tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng và 16 chương trình xúc tiến thương mại với kinh phí khoảng 1,44 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quý I-2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục tham mưu xây dựng Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời trong phơi sấy nông lâm thủy sản, tổng kinh phí dự kiến 437 triệu đồng; 2 đề án thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, để hỗ trợ các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Để nguồn vốn khuyến công sau khi đầu tư phát huy tốt hiệu quả, theo ông Phạm Thanh Bình, thời gian tới, đơn vị tiếp tục bám sát cơ sở, nắm bắt tiến độ thực hiện đề án; phối hợp với đơn vị thụ hưởng hoàn thành các đề án theo đúng nội dung và tiến độ, đồng thời tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, để từ đó có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh việc hỗ trợ truyền nghề, tổ chức tập huấn đào tạo dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn hướng đầu tư ngành nghề phù hợp. Trước mắt, tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết cho các nội dung chương trình xúc tiến thương mại địa phương đã được phê duyệt theo Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 28-2-2019 của UBND tỉnh; phối hợp với Công ty TNHH Tiến Lợi tổ chức Hội chợ Công nghiệp - Thương mại Ninh Thuận 2019 gắn với Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019. Chủ động tổ chức, vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề, hợp tác xã tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức 5 phiên chợ đưa hàng Việt về các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Phước, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Văn Thanh