Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong 24 sản phẩm chủ lực của ngành, đến cuối tháng 3 có 12 sản phẩm tăng, trong đó một số sản phẩm tăng trưởng khá cao như: Nhân điều tăng 27,58%; điện thương phẩm tăng 8,2%; nước ghi thu tăng 15%; thạch nha đam tăng 70,35%; đá xây dựng tăng 40,2%; sản xuất điện tăng 11,2%… Về năng lực mới có 3 nhà máy điện điện gió và 1 nhà máy điện mặt trời đã hòa lưới điện, phát điện với sản lượng khoảng 64 triệu Kwh. Kết quả trên góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành CN trong quý I ước đạt trên 1.603 tỷ đồng, tăng 3,86% so với cùng kỳ. Trong đó, CN khai khoáng đạt 63,7 tỷ đồng, tăng 5,5%; CN chế biến, chế tạo đạt trên 1.421 tỷ đồng, tăng 2,94%; CN sản xuất, phân phối điện đạt 79,1 tỷ đồng, tăng 14,95%; CN cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 39,3 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ( Khu Công nghiệp Thành Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm). Ảnh: V.Miên
Về tình hình thu hút đầu tư và triển khai một số dự án CN trọng điểm, đến cuối tháng 3 có 1 dự án điện mặt trời (Nhà máy Điện mặt trời BP Solar 1) tổ chức khánh thành đưa vào vận hành với công suất 36,8MW. Dự kiến trong tháng 4-2019 có thêm 6 dự án gồm: Điện gió Trung Nam giai đoạn 1; điện gió Mũi Dinh; điện mặt trời Trung Nam; điện mặt trời Bim 1, 2 và 3 tiếp tục tổ chức khánh thành với tổng công suất khoảng 560 MW. Bên cạnh đó, một số dự án điện mặt trời như: Gelex; hồ Bàu Ngứ; Phước Hữu-Điện lực 1,… cũng đang khẩn trương tập trung thi công để phấn đấu hoàn thành trước tháng 6-2019. Ngoài ra, trong quý I còn có 2 dự án năng lượng là điện mặt trời Solar Farm công suất 28MW và Nhà máy thủy điện Phước Hòa công suất 20MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch.
Thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Quyết định số 02/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong quý I- 2019, ngành Công Thương còn tham mưu văn bản để UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ Công Thương tiếp tục thẩm định dự án Nhà máy điện mặt trời Infra 2 bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tham mưu trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương hướng tuyến đường dây đấu nối 3 dự án gồm: Nhà máy điện mặt trời hồ Núi Một, Nhà máy thủy điện Tân Mỹ có công suất 10MW và Nhà máy thủy điện Tân Mỹ 2 có công suất 14MW; phương án đấu nối dự án Nhà máy điện gió 7A vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận; kiến nghị Bộ Công Thương giải quyết vướng mắc về thực hiện Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, liên hệ với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng đề cương, dự toán chi phí xây dựng đề án và Tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” dự kiến tổ chức vào tháng tư tới.
Công nhân Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Ninh Thuận bốc xếp hàng hóa đưa đi tiêu thụ.
Theo Sở Công Thương, kết quả đạt được của ngành CN trong quý I- 2019 là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện cho thấy, từ chiều ngược lại vẫn còn 12 sản phẩm đang gặp khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu, nên sản lượng giảm so cùng kỳ. Cụ thể, đối với khai thác muối các loại, do tình hình mưa lũ cuối năm 2018 đã làm sạt lở các đồng muối CN ở Cà Ná, Tri Hải, Đầm Vua, nên trong quý I, hầu hết các doanh nghiệp phải thực hiện tu bổ, sửa chữa đồng muối. Vì vậy, hoạt động sản xuất muối chủ yếu dựa vào khai thác muối biển trong nhân dân nên sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm chỉ ước đạt 66.678 tấn, giảm 12,67% so cùng kỳ. Đối với hoạt động sản xuất đường RS, do giá thu mua mía vụ 2017-2018 giảm còn 800 ngàn đồng/tấn (bằng 94,1% giá hợp đồng); số lượng ký hợp đồng vụ 2018-2019 giảm cả diện tích và sản lượng so với vụ trước, đồng thời do ảnh hưởng mưa lũ cuối năm 2018 làm đường vận chuyển khó khăn nên doanh nghiệp vào vụ chế biến đường chậm, phải đến sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi mới khởi động máy. Bên cạnh đó, giá thu mua mía vụ 2018-2019 tiếp tục giảm còn 600 ngàn đồng/tấn (chỉ bằng 75% giá mía cùng kỳ) nên sản lượng sản xuất chỉ đạt 6.259 tấn, giảm 48% so cùng kỳ.
Cũng do ảnh hưởng của thời tiết, nên chất lượng tinh bột mì giảm, một số lượng lớn có triệu chứng hư hỏng chỉ phù hợp với xẻ lát phơi khô nên hoạt động sản xuất quý I năm 2019 chỉ ước đạt 6.207 tấn, giảm 8,51% so cùng kỳ. Mặt khác, do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên một số sản phẩm CN chế biến, sản lượng giảm so cùng kỳ, trong đó: Phân vi sinh giảm 42,9%; bao bì giấy giảm 23,5%; may CN giảm 17,7%; sản xuất sợi giảm 4,6%; tôm đông lạnh giảm 3,4%; nước yến giảm 2,8%; xi măng giảm 2%; muối chế biến giảm 1,2%, đặc biệt sản phẩm bia đóng lon giảm 1,3%. Riêng hoạt động sản xuất xi măng, mặc dù các công trình trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư, tuy nhiên sản phẩm xi măng của Công ty xi măng Luks vẫn ở mức tiêu thụ chậm do chưa mở rộng được thị trường, công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm còn hạn chế, chưa thuyết phục được khách hàng, nhất là khách hàng ngoài tỉnh nên giá trị sản xuất quý I -2019 chỉ ước đạt 33.305 tấn, giảm 1,9% so cùng kỳ.
Nhìn lại bức tranh CN của tỉnh trong 3 tháng đầu năm cho thấy vẫn có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Do đó, vấn đề đặt ra là liệu từ nay đến cuối năm, ngành CN của tỉnh có hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng từ 18-19% như kế hoạch. Để có lời giải cho bài toán tăng trưởng này, thiết nghĩ tỉnh cần nhìn rõ thực trạng và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để có sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có theo hướng tăng trưởng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; phối hợp hỗ trợ và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên xác định lộ trình và chiến lược đầu tư chiều sâu, dài hạn để đảm bảo phát triển và tăng trưởng bền vững. Một việc làm cần thiết nữa đó là các ngành chức năng của tỉnh cần phải vào cuộc một cách đồng bộ; có chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư mới trên cơ sở có một chiến lược phát triển CN rõ ràng, cụ thể, với những sản phẩm có giá trị sản xuất cao để làm điểm nhấn mang tính “đòn bẩy” cho sự phát triển của ngành.
Văn Thanh