Thuận Nam đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(NTO) Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp huyện Thuận Nam tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, thói quen mua sắm tiêu dùng hàng Việt Nam của đông đảo người dân huyện nhà.

Đồng chí Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phó Ban chỉ đạo CVĐ huyện Thuận Nam cho biết: Đẩy mạnh thực hiện CVĐ, Ban chỉ đạo CVĐ huyện đã chủ động kiện toàn bộ máy; kịp thời bổ sung quy chế hoạt động, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và Mặt trận các cấp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhằm đề ra giải pháp phù hợp, thiết thực đưa CVĐ đi sâu vào đời sống của các tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện.

Nước mắm Cà Ná (Thuận Nam) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn tiêu dùng.Ảnh: Văn Nỷ

Theo đó, năm 2018, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đã phối hợp với Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH Trúc Nguyên, Công ty TNHH Thy Thy tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động, bình ổn giá; phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” phục vụ nhân dân các xã: Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh, Nhị Hà, Phước Nam; đồng thời, tổ chức Hội chợ Thương mại hàng tiêu dùng huyện Thuận Nam tại xã Cà Ná… thu hút gần 28 ngàn lượt khách tham quan, mua sắm đạt doanh thu gần 4 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trên địa bàn, đồng thời giúp cân bằng lượng hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các thôn địa bàn miền núi, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Ngoài ra, nhằm chung tay đẩy mạnh thực hiện CVĐ, nhiều đơn vị phòng, ban, hội, đoàn thể trong huyện đã tích cực tham gia. Đơn cử như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm tốt công tác tham mưu để UBND huyện thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chất lượng một số sản phẩm hàng hóa thuộc phòng quản lý về chuyên ngành giống vật nuôi, cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… có biện pháp xử lý các trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng theo công bố, hàng nhái, hàng giả, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Ngành Y tế tập trung chỉ đạo các Trạm y tế, Trung tâm y tế huyện tăng cường sử dụng các loại thuốc sản xuất trong nước để khám, chữa bệnh cho nhân dân; vận động các doanh nghiệp kinh doanh thuốc chữa bệnh nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng dẫn cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Một số đơn vị như: Phòng Văn hóa Thông tin, Liên đoàn Lao động huyện, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tích cực đẩy mạnh triển khai lồng ghép CVĐ trong hội viên thông qua các buổi sinh hoạt, giới thiệu gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi để người dân biết và ủng hộ các sản phẩm; tổ chức Ngày hội Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt. Rõ nhất là trong việc mua sắm hàng hóa phục vụ công vụ, huyện Thuận Nam luôn ưu tiên, khuyến khích các đơn vị sử dụng hàng nội địa… Nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các ban, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương, CVĐ trên địa bàn huyện Thuận Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là trên các kệ hàng của các cá nhân, đơn vị kinh doanh buôn bán, các mặt hàng nội địa chiếm tỷ lệ cao, niềm tin của người tiêu dùng về hàng Việt ngày một tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Chiêu cho biết thêm: Xác định CVĐ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, huyện Thuận Nam sẽ quan tâm tới một số vấn đề như: Tổ chức giám sát việc thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển và xây dựng mạng lưới bán lẻ hàng hóa đến các vùng nông thôn, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tăng cường phối hợp, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức bán hàng lưu động về các xã, đặc biệt là các xã miền núi, vùng bãi ngang ven biển trong đó ưu tiên hàng Việt; đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… nhằm xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.