Việt Nam đang chứng khiến làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam” do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 12/3.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu và đại điện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài chính xanh của Vương quốc Anh và Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, nhìn về tương lai, các dự báo chỉ ra rằng từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5 - 7,5%/năm, và như vậy, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MWW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MWW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cũng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.

“Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực”, ông Hưng nhấn mạnh. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo (NLTT) cho thấy đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050.

Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển này, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế. Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu... “Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, ông Hưng cho biết.

Cụ thể, đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 02 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ NLTT (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ rõ việc phát triển nhanh các nguồn NLTT trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức: chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên,... Đồng thời cho biết, trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này.

Đại diện Bộ Công Thương mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh và quốc tế trong phát triển năng lượng carbon thấp và phát triển các nguồn NLTT cũng như trao đổi về khả năng hợp tác, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và Anh quốc cho các dự án NLTT tại Việt Nam.

Về phần mình, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhấn mạnh: Vương quốc Anh cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ việc chuyển hướng sang nền kinh tế xanh hơn, giảm thiểu carbon ở cả Vương quốc Anh và trên toàn thế giới. Ngài Đại sứ cho biết Vương quốc Anh cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về gió ngoài khơi với công suất lắp đặt lớn nhất toàn cầu là 7,6GW.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đoàn gồm 30 công ty của Anh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài chính xanh đã tham gia chia sẻ với các đối tác Việt Nam cách tiếp cận chính sách và phát triển các khung pháp lý và chia sẻ chuyên môn hàng đầu thế giới về năng lượng hướng tới giảm thiểu carbon.

“Tôi tin rằng Hội thảo này sẽ là nền tảng để Vương quốc Anh hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch và gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong những năm sắp tới”, Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward cho biết.

Theo www.chinhphu.vn