Ông Đoàn Hạnh Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: NĐ 119 có 5 chương, 37 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2018. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang HĐĐT khi mua bán hàng, NĐ 119 quy định, các DN và cơ quan thuế có thời gian 24 tháng để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như thiết bị, máy móc, hạ tầng công nghệ thông tin và con người để áp dụng HĐĐT và hạn cuối đến ngày 1-11-2020 việc chuyển đổi sang HĐĐT phải được hoàn thành (sau ngày 1-11-2020 các loại hóa đơn giấy sẽ không còn giá trị lưu hành). Thực hiện quy định này, hiện Cục Thuế đã có kế hoạch chi tiết và đang chỉ đạo các phòng chức năng, Chi cục Thuế các huyện, thành phố tiến hành rà soát các DN đủ điều kiện áp dụng HĐĐT và tiếp đến mời các DN còn lại đến tham dự tập huấn. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đã phân công cán bộ trực tiếp hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng các chương trình ứng dụng, cách thức thực hiện tại DN, đồng thời thành lập tổ hỗ trợ để tiếp nhận và xử lý các yêu cầu, các vướng mắc của DN.
Đại diện Cục Thuế triển khai sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định của NĐ 119, HĐĐT cũng có đủ các loại như: Hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng và các loại tem, vé, phiếu thu, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển,… tất cả đều được lập và lưu điện tử, tức không dùng giấy. HĐĐT được chia làm 2 nhóm sử dụng, trong đó: Nhóm 1, sử dụng loại không có mã xác thực của cơ quan thuế, bao gồm DN thuộc các lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại. Nhóm 2: Sử dụng loại có mã xác thực của cơ quan thuế bao gồm hầu hết các DN không thuộc nhóm 1, kể cả DN thuộc nhóm 1 nhưng có rủi ro cao về thuế. Về mã xác thực là một dãy số và chuỗi ký tự do hệ thống của cơ quan thuế cấp phát một cách tự động dựa trên nội dung của HĐĐT do bên bán lập. Mã này sẽ gán lên hóa đơn trước khi chuyển đến người mua. HĐĐT cũng có những tiêu chí bắt buộc như hóa đơn giấy hiện hành, kể cả tên, ký hiệu, ký hiệu mẫu và số hóa đơn. Tuy nhiên, do là chứng từ điện tử nên phải có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử của bên phát hành.
Một trong những điểm mới của NĐ 119 là quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng phải dùng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 13 của NĐ 119 quy định có 5 trường hợp không phải sử dụng HĐĐT bao gồm: DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn; DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh đổi thành DN trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp; hộ cá nhân kinh doanh dưới 3 tỷ đồng; DN nhỏ và vừa theo đề nghị của UBND tỉnh; các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng HĐĐT do Bộ Tài chính quyết định.
Qua trao đổi với các DN tại buổi tập huấn, đa số đều mong muốn được áp dụng HĐĐT có xác thực của cơ quan thuế nhằm giảm chi phí in ấn và tiện lợi trong việc lưu trữ hóa đơn. Bên cạnh đó, có DN còn băn khoăn do thời điểm lập HĐĐT thể hiện chính xác theo ngày, giờ, phút, giây ngay trên hóa đơn, nên tiêu chí này sẽ làm nản lòng những ai muốn phát hành hóa đơn lùi ngày. Trao đổi vấn đề này, ông Đoàn Hạnh Phúc cho biết: Từ nay đến ngày 31-10-2020 cơ quan thuế sẽ gọi tên từng DN yêu cầu chuyển sang sử dụng HĐĐT. Nếu vì lý do chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, có thể tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy đến hết ngày 31-10-2020, nhưng mỗi kỳ khai thuế giá trị gia tăng phải nộp kèm tờ khai dự liệu hóa đơn (theo mẫu số 3) tương tự như bảng kê hóa đơn trước đây. Riêng các DN mới thành lập sau ngày 1-11-2018 sẽ phải sử dụng HĐĐT, trừ khi không đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì tạm thời sử dụng hóa đơn giấy. Còn các loại phiếu thu học phí, viện phí sẽ phải chuyển sang phiếu thu điện tử, nhưng theo lộ trình riêng do Bộ Tài chính quy định.
Theo ông Đoàn Hạnh Phúc, việc triển khai áp dụng HĐĐT ở tỉnh ta sẽ có nhiều thuận lợi, bởi hiện nay 100% DN trên địa bàn đã thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử; 100% hộ kinh doanh nộp thuế thông qua đơn vị ủy nhiệm thu (Bưu điện tỉnh), trong đó 3 chỉ số thành phần của nộp thuế điện tử là: Số chứng từ nộp điện tử, số thuế nộp điện tử và số DN nộp thuế điện tử đều đạt trên 98%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đề ra (chỉ tiêu của Chính phủ đạt tối thiểu 95%) và được Tổng cục Thuế đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về triển khai nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, để DN nói riêng và người nộp thuế nói chung hiểu để triển khai áp dụng HĐĐT, từ nay đến cuối năm, Cục Thuế sẽ tăng cường tuyên truyền về các điểm cần lưu ý của HĐĐT; việc tuyên truyền sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức, thông qua các cơ quan truyền thông của các địa phương, ban quản lý các chợ, xe cổ động,… để người nộp thuế hiểu về những lợi ích của việc áp dụng HĐĐT.
Văn Thanh