Những con tàu bám biển mùa xuân

(NTO) Trong những ngày cuối năm, chúng tôi về vùng biển Thuận Nam, cảm nhận hình ảnh những con tàu cập bến chở đầy cá, ngư dân nhộn nhịp mua bán, trao đổi hàng hóa rất sinh động, đời sống của ngư dân nơi đây thực sự đã thay đổi, báo hiệu niềm vui trong mùa xuân mới.

Tại Cảng cá Cà Ná, hàng trăm con tàu neo đậu trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Cái lạnh của những ngày cuối năm không làm giảm không khí nhộn nhịp, khẩn trương cho chuyến biển dài ngày của bà con. Ngư dân Lê Việt Tiến, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná, chia sẻ: Gia đình có chiếc tàu 90CV hành nghề vay rút chì, ngay từ sáng sớm, 6 thuyền viên đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cho chuyến biển ngày cuối năm với mong ước “thuận buồm, xuôi gió”, tôm cá đầy khoang. Còn đối với ông Nguyễn Văn Giỏi, có thâm nhiên hơn 20 năm gắn bó với nghề biển, ông chia sẻ: Bao đời nay, nguồn lợi từ biển đã nuôi sống và làm giàu cho người dân nơi đây. Khát vọng vươn khơi, bám biển dài ngày thôi thúc nhiều gia đình mạnh dạn cải hoán tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại để vươn khơi xa. Những ngày cuối năm biển lặng, nên nhiều ngư dân tranh thủ vươn khơi và thu được nhiều hải sản. Gia đình đang sở hữu 3 chiếc tàu có tổng công suất trên 150 CV, chuyên hoạt động nghề pha xúc, từ đầu năm tới nay, sản lượng khai thác hàng trăm tấn, trừ đi chi phí, thu lãi trên 2 tỷ đồng, năm nay đón tết được sung túc hơn...

Ngư dân kiểm tra tàu thuyền chuẩn bị cho chuyến đi biển những ngày cuối năm.

Thuận Nam có chiều dài bờ biển trên 35 km, với 3 xã Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná chuyên hoạt động về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Để nâng cao thu nhập cho ngư dân vùng biển trong những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh và những giải pháp mang tính đột phá của cấp ủy, chính quyền địa phương, đã mở ra nhiều cơ hội mới cho kinh tế biển phát triển mạnh mẽ. Hướng tới hoạt động đánh bắt mang tính lâu dài, bền vững, ngành chức năng giúp ngư dân ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật để cải tiến nghề lưới kéo đôi, lưới vây rút chì, lưới rê 3 lớp, máy rút chì… Bên cạnh đó, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, huyện đã thành lập 106 tổ đội đoàn kết đánh bắt hải sản, thu hút hàng trăm tàu cá tham gia, giúp ngư dân giảm đáng kể chi phí trong quá trình đánh bắt. Đặc biệt, các công trình, dự án phục vụ kinh tế thủy sản tại địa phương được đầu tư xây dựng. Trong đó, phải kể đến Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cà Ná khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng hiệu quả sản xuất của ngư dân và giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Theo đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam: Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển; trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản. Đặc biệt, chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhìn những đoàn tàu rẽ sóng vươn ra khơi, những mẻ lưới đầy cá liên tục cập bến, hình ảnh từng con đường, lối xóm ngày càng đổi mới… minh chứng rõ nét về vùng biển hôm nay đã dần chuyển mình.