Tín dụng chính sách, kênh tiếp sức hiệu quả cho người nghèo

(NTO) Với mục đích hoạt động không vì lợi nhuận, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh ngày càng thể hiện rõ vai trò cầu nối đưa dòng vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước đến tận tay hàng ngàn hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.

Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: Hiện nay, NHCSXH tỉnh đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, với tổng dư nợ đạt 2.012 tỷ đồng/76.000 khách hàng, tăng 242 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ. Điều đáng mừng là hầu hết các hộ vay vốn từ NHCSXH đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, biết cách đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, buôn bán phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó đời sống ngày được cải thiện.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Thuận Bắc giải ngân vốn vay cho
người dân xã Công Hải (Thuận Bắc). Ảnh: V.Miên

Tính đến thời điểm đầu năm 2018, tỉnh ta có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 17.284 hộ (chiếm 10,36%) và cận nghèo 16.698 hộ (chiếm 10,01%). Để tạo điều kiện cho các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ngoài việc tập trung huy động vốn, NHCSXH tỉnh còn phối hợp các đơn vị nhận ủy thác thành lập 1.622 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), xây dựng mạng lưới giao dịch tại tất cả 65/65 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nhờ đó, không chỉ giúp ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, mà người dân cũng giảm bớt thời gian, chi phí đi lại. Mặt khác, NHCSXH tỉnh còn chỉ đạo các thành viên phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở để theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp với UBND cấp xã, các hội đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ TK&VV phân tích nợ xấu theo từng chương trình tín dụng để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp. Thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ danh sách hộ vay còn dư nợ các chương trình, nợ quá hạn, nợ được xử lý rủi ro, các chính sách tín dụng ưu đãi theo từng thời kỳ, lãi suất cho vay theo từng chương trình, đảm bảo nguồn vốn vay ưu đãi được giải ngân hết đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Nhờ thực hiện linh hoạt trong chính sách cho vay, giải quyết các thủ tục hồ sơ nhanh chóng, đến nay nguồn vốn tín dụng của NHCSXH không ngừng được tăng trưởng. Cụ thể, nếu ở thời điểm mới đi vào hoạt động (2003), tổng nguồn vốn của Chi nhánh chỉ có 79,862 tỷ đồng thì đến cuối năm 2018 đạt 2.018 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương trên 1.810 tỷ đồng, tăng 173,5 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương 37,617 tỷ đồng, tăng 5,550 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 111% kế hoạch giao. Đối với nguồn vốn huy động đạt 170 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 117,2% chỉ tiêu kế hoạch. Trong số này, vốn huy động tiền gửi từ tổ chức, cá nhân 91 tỷ đồng, tăng 37 tỷ đồng; vốn huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ TK&VV là 79 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 118% kế hoạch giao.

Nhờ được vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư nuôi bò vỗ béo, năm 2018 chị Mang Thị Linh,
ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước) đã thoát nghèo.

Từ các nguồn vốn huy động kể trên đã tạo thêm nguồn lực để NHCSXH tỉnh cho vay các chương trình giảm nghèo hiệu quả; mức cho vay bình quân cũng được NHCSXH điều chỉnh phù hợp, nâng từ 22,3 triệu đồng/hộ năm 2016 lên 29,8 triệu đồng/hộ năm 2018. Qua đánh giá của NHCSXH tỉnh cho thấy, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 86 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn từ NHCSXH, qua đó đã giúp cho hàng ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Ngoài ra, nguồn vốn của NHCSXH còn giúp cho hơn 6.300 lượt học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 860 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở để an cư lạc nghiệp, phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Kết quả trên đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 1,5% - 2%, riêng năm 2018 giảm 2,02%. Qua đó, có thể khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh thực hiện đã góp phần tích cực vào xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bám sát chính sách phát triển của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong năm 2019, NHCSXH tỉnh tiếp tục nỗ lực, tích cực huy động nguồn vốn từ dân cư và vốn từ các Tổ TK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, lãi đúng kỳ hạn theo quy định. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đồng thời góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu UBND và Ban đại diện – Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, UBND cấp xã phối hợp tích cực với NHCSXH các cấp thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Phấn đấu đến cuối năm 2019 tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 14% và 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.