Để phát huy giá trị các sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Các sản phẩm đặc thù của tỉnh đều được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từng bước phát triển trở thành sản phẩm thế mạnh. Tính đến nay, tỉnh đã thực hiện xây dựng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 20 nhóm sản phẩm.
Các sản phẩm đặc thù của tỉnh có chất lượng cao đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển các sản phẩm đặc thù sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, năm 2018, Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tiến hành Đề án Xây dựng, thu thập thông tin, cơ sở khoa học đề xuất bộ tiêu chí và xác lập danh mục các sản phẩm đặc thù để ưu tiên đầu tư phát triển. Ngày 10-9-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1493/QĐ-UBND công nhận bộ tiêu chí đánh giá và phê duyệt danh mục 12 sản phẩm đặc thù (Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, rong sụn, tôm giống, cừu, dê, nước mắm Cà Ná, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc) giai đoạn 2018-2020 và các sản phẩm tiềm năng (Heo đen Thuận Bắc và Bác Ái, bò vàng, trái cây Ninh Sơn) hướng đến sản phẩm đặc thù. Các sản phẩm đều đạt 8 tiêu chí theo thứ tự ưu tiên: Lịch sử phát triển; danh tiếng, chất lượng đặc thù; quy mô thị trường; sản lượng và quy mô phát triển; an toàn và thân thiện với môi trường; dịch vụ phụ trợ, da dạng hóa sản phẩm trong chế biến; mức độ lan tỏa đến các lĩnh vực, ngành nghề khác; chính sách ưu đãi của nhà nước.
Nhằm phát triển các sản phẩm đặc thù đã được lựa chọn, tỉnh chỉ đạo xây dựng định hướng liên kết sản xuất theo chuỗi từ cung ứng vật tư đến dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, lựa chọn, áp dụng hình thức liên kết phù hợp với từng nhóm, ngành hàng và địa bàn sản xuất. Ngành chức năng không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xúc tiến thị trường nước ngoài, thâm nhập vào các hệ thống phân phối siêu thị, chợ đầu mối; nghiên cứu ký kết hợp tác gắn với các sự kiện lớn của đất nước để giới thiệu hàng hóa ở những tỉnh, thành phố có nhiều du khách đến tham quan. Các địa phương triển khai thành lập những hợp tác xã kiểu mới có tư cách pháp nhân để xây dựng các chuỗi khép kín, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong chế biến các sản phẩm đặc thù để nâng cao khả năng cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu thị trường cũng được chú trọng.
Người tiêu dùng mua sản phẩm đặc thù của tỉnh tại
Cơ sở Sản xuất và kinh doanh Thiên Thảo. Ảnh: Văn Nỷ
Được sự tiếp sức của ngành chức năng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không ngừng đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại chế biến hàng nông sản phong phú về chủng loại, mẫu mã, cung cấp cho thị trường. Với diện tích 1.286 ha, năng suất ước đạt gần 30.000 tấn/vụ, nho là sản phẩm đặc thù của tỉnh được nhiều đơn vị đầu tư sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị. Nắm bắt nhu cầu sử dụng nho tươi trong dịp tết tăng, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất thương mại và Dịch vụ Ba Mọi đã ký hợp đồng với các hộ trồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn ngày thường, tạo niềm vui phấn khởi cho nông dân. Hàng trăm cơ sở, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động ở lĩnh vực chế biến các sản phẩm sau nho cũng lên kế hoạch sản xuất, sẵn sàng tung ra thị trường các sản phẩm vang nho, nho khô, mật nho, mứt nho chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, trưng bày mâm ngũ quả trong dịp tết. Năm nay, Cơ sở kinh doanh dê cừu Triệu Tín (Ninh Phước), Cửa hàng thực phẩm sạch Thư Thùy (Đô Vinh, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Trung tâm trưng bày giới thiệu kinh doanh các sản phẩm đặc thù (số 34, đường 16 Tháng 4) chuẩn bị số lượng hàng hóa dồi dào phục vụ người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm thịt tươi đóng gói đông lạnh, các cơ sở còn sản xuất thịt sấy khô, thịt hun khói có thể bảo quản dài ngày vẫn giữ được độ thơm, ngọt. Anh Nguyễn Xuân Đoài, chủ Cơ sở dê cừu Triệu Tín, cho biết: Kể từ khi cừu Ninh Thuận được cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý và dê được cấp Nhãn hiệu chứng nhận (tháng 10-2017), thương hiệu 2 loại thực phẩm sản xuất ở vùng nắng gió Ninh Thuận được cả nước biết đến, sức tiêu thụ mạnh. Chỉ tính riêng thịt cừu, mỗi ngày các cơ sở cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh khoảng 100 con, những ngày giáp Tết tăng gấp ba lần.
Với cung cách tiếp thị, phục vụ chuyên nghiệp, tin rằng tết năm nay những sản phẩm truyền thống của quê hương Ninh Thuận sẽ đến tận mọi miền đất nước, góp vào bữa ăn của các gia đình người Việt trong ba ngày Tết thêm phần đầm ấm.
Tuấn Anh