Nước về tắm mát những đồng quê

Với chủ trương đầu tư đúng mục tiêu, trọng điểm, những “biển hồ”-công trình thủy lợi được đầu tư, xây dựng; hệ thống kênh mương cấp II, III như những mạch “máu xanh” được mở rộng, nối dài đã và đang tưới mát vùng đất Ninh Thuận, được xem là tiểu vùng sa mạc-khô hạn nhất cả nước. Nước về đã mang theo mùa xuân đến, tạo nên một “Ninh Thuận hôm nay” sung túc, đượm sắc hơn, sự sống mỗi ngày qua lại thêm tươi mới.

Nước về

Trước năm 1992, sự khắc nghiệt vốn có của thời tiết trên vùng khô hạn Ninh Thuận, khiến hàng nghìn hộ dân trong tỉnh mãi quẩn quanh với đói nghèo từ bao đời nay. Ít nhất hơn 1/2 diện tích đất canh tác của tỉnh thiếu nước, không chủ động nước, năng suất lúa một vụ thấp, người dân địa phương muốn kiếm thêm thu nhập bằng cây màu cùng lắm trồng được vài ba loại, nhưng năng suất… chẳng bao nhiêu!. Sau ngày tái lập tỉnh, xác định thủy lợi có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, được sự quan tâm của Chính phủ và các nguồn vốn vay ưu đãi, tỉnh ta hiện đã đầu tư, xây dựng hình thành một hệ thống thủy lợi đầu mối rộng khắp ở hầu hết các địa phương. Nước về, nông thôn Ninh Thuận đổi thay từng ngày.

Hồ Tân Giang.

Khởi đầu từ “biển hồ” Tân Giang (Ninh Phước). Dự án được khởi công năm 1997, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 97 tỷ đồng, với dung tích thiết kế 13 triệu m3. Tân Giang được đánh giá là hồ “chiến lược” của tỉnh, vì có khả năng chủ động tưới cho 3.000 ha ở vùng hạ lưu Tân Giang. Trước năm 2002, xã Nhị Hà (Thuận Nam) được ví như “chiếc nôi” nghèo khó với hơn 50% dân số thường xuyên được cứu đói vào mùa giáp hạt. Nhưng nay, diện mạo của địa phương này đã khởi sắc thấy rõ. Nguồn nước Tân Giang là điều kiện để nông dân khai thác tiềm năng ruộng vườn, chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế gia đình. Ông Đỗ Thanh Toàn, ở thôn Nhị Hà 2, phấn khởi bảo: Chuyện đất cằn, đất bạc là của… “ngày xưa”. Nước tưới đầy đủ nên chuyện chính của bà con bây giờ là lựa chọn cây gì để trồng cho hiệu quả…” ông Toàn cho biết. Hiện nay, ngoài diện tích đất trồng lúa, hoa màu sản xuất, nhờ có nước Tân Giang, gia đình ông đã chuyển đất nghèo kiệt thành 4 ha trồng giống mít Thái Lan và giống mít ruột vàng mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng. Với dung tích chứa trên 13 triệu m3 nước, tưới cho trên 3000 ha lúa 3 vụ/năm, công trình hồ Tân Giang không những phục vụ nước tưới cho vùng đầu nguồn mà các địa phương vùng hạn khác trong huyện như Phước Nam, Phước Ninh, kể cả một phần diện tích trồng lúa, hoa màu của Phước Hữu, Phước Dân (Ninh Phước) được mở rộng, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ, từ chỗ đó đời sống bà con được nâng cao, tỷ lệ hộ đói khu vực hạ lưu Tân Giang không còn nữa.

Từ Tân Giang vòng lên huyện miền núi Bác Ái, gần 8.000 ha đất sản xuất nông nghiệp nay cũng đã được ngọt hóa nhờ hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt. Trước đây, huyện chỉ có 400 ha đất sản xuất chủ động nước, số diện tích còn lại phải bỏ hoang, sản xuất bấp bênh do không có nước tưới. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư với nguồn vốn hơn 350 tỷ đồng, công trình hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt đã được thi công, với dung tích chứa hơn 69,3 triệu m3, không chỉ cung cấp nước sinh hoạt mà còn tưới cho hàng nghìn ha lúa, hoa màu, mang lại niềm vui cho đồng bào Raglai ở các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng và Phước Tiến. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái chia sẻ: Hồ Sông Sắt đưa vào sử dụng đã tác động tích cực đối với đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào nơi đây. Nhiều diện tích đất bỏ hoang ở địa phương đã được bà con cải tạo thành đồng ruộng sản xuất lúa nước, trồng cây ăn trái, phát triển trang trại chăn nuôi…, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập, thoát nghèo trên chính đồng đất của mình.

Không riêng gì Bác Ái hưởng lợi, trong mùa khô hạn cao điểm cuối năm 2018, “biển hồ” Sông Sắt được tỉnh xem là hồ dự trữ chiến lược. Bởi ngay cuối năm 2018, đợt hạn hán kỷ lục kéo theo hệ thống hồ, đập, sông suối trên địa bàn tỉnh cạn kiệt; ngay cả hồ Đơn Dương-hồ thủy lợi không bao giờ hết nước cũng ở mực nước chết. Duy nhất Sông Sắt còn gần 40 triệu m3, UBND tỉnh đã chỉ đạo đưa Sông Sắt vào dự trữ phục vụ nước sinh hoạt cho người dân và gia súc của tỉnh trong mùa khô năm 2019; các quy trình, vận hành, điều tiết nước trong hồ phải được UBND tỉnh cho phép. Thế mới biết, Sông Sắt có một vị trí quan trọng như thế nào.

Cùng với Tân Giang, Sông Sắt, chạy dọc theo các “biển hồ” trong mùa khô hạn năm 2015, 2016, 2018 khốc liệt, mới thấy được hết ý nghĩa của các “biển hồ” này. Những vùng quê nghèo một thời nước sinh hoạt cho người và gia súc cũng thiếu nghiêm trọng, hạn triền miên… vậy mà đã đổi thay nhanh chóng khi có dòng nước mát về. Những ngôi nhà mái ngói đỏ au, những cánh đồng lúa, bắp… nặng trĩu mùa về… Có nước, người dân đã biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Những cánh đồng Thuận Nam, Thuận Bắc, Bác Ái... một thời “đồng hoang, cỏ cháy” giờ thành những cánh đồng lúa phì nhiêu, mỗi năm sản xuất từ 2-3 vụ cho năng suất cao.

Tắm mát đồng xanh

Với vùng đất “thừa gió, thừa nắng”, nước và nước- điệp khúc đó luôn là điều ao ước, khát vọng cháy bỏng đối với người dân tỉnh nhà. “Giấc mơ nước” của tỉnh ta giờ đây về cơ bản đã thành hiện thực. Một hệ thống thủy lợi đầu mối, dẫu chưa liên hoàn như mong ước nhưng đã trải đều ở các địa phương. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Từ năm 1992 đến nay, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng gần 110 hồ, đập thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 21 hồ chứa với dung tích nước hữu ích gần 196 triệu m3. Với hệ thống hồ thủy lợi hiện có, công năng tưới ổn định lên đến xấp xỉ 65.000 ha; đồng thời đáp ứng cơ bản cung cấp nước sinh hoạt và nước uống cho người dân và gia súc trong mùa khô hạn trên địa bàn tỉnh. Thủy lợi đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn.

 

Nhờ chủ động nguồn nước, nông dân Phước Thái (Ninh Phước)
triển khai cánh đồng mẫu lớn đạt năng suất cao. Ảnh Văn Nỷ.

Nhờ có nước, người dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng lương thực có hạt năm 2018 đạt 305,5 nghìn tấn, tăng trên 200 nghìn tấn so với năm 1992; sản lượng các loại cây khác 370,5 nghìn tấn. Riêng sản lượng lúa tăng, từ 2,5-3 tấn/ha (năm 1992), đến năm 2018, đạt bình quân 7 tấn/ha, từ một vụ chuyển thành 3 vụ ổn định. Ngày đầu tái lập tỉnh, tổng giá trị sản xuất toàn ngành 365.2 tỷ đồng (giá hiện hành) thì đến năm 2018 đạt trên 10.985,8 tỷ đồng, trong đó riêng sản xuất nông nghiệp đạt 4.840,8 tỷ đồng. Các công trình thủy lợi là động lực thúc đẩy toàn diện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta.

Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy nhanh triển khai các dự án thủy lợi hồ Tân Mỹ, Sông Than, đập hạ lưu Sông Dinh. Riêng đối với “biển hồ” Tân Mỹ-đại công trình thủy lợi có quy mô thuộc loại lớn nhất khu vực duyên hải miền Trung, có thể tích lên đến hơn 203 triệu m3 với tổng vốn đầu tư 5.239 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động hệ thống sẽ tưới và tạo nguồn tưới cho 7.480 ha đất nông nghiệp; tiếp nước cho hệ thống thủy nông Nha Trinh – Lâm Cấm đảm bảo tưới tiêu cho 12.000 ha; tiếp nước cho nhiều khu vực tại các hồ: Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh…, phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cắt lũ cho hạ du, cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, môi trường sinh thái, phát triển bền vững vành đai kinh tế các vùng phụ cận, tạo dung tích cho nhà máy thủy điện tích năng hoạt động với công suất 1.200MW... Đây là công trình trọng điểm của tỉnh, là dự án đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đặc biệt quan trọng cho việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Với sự quan tâm của Chính phủ, dự kiến khi “đại công trình thủy lợi” hồ Tân Mỹ, Sông Than, đập hạ lưu sông Dinh và một số dự án thủy lợi vừa - nhỏ khác hoàn thành thì tổng diện tích đất sản xuất ổn định nước vượt lên con số 100.000 ha, giải quyết triệt để vấn đề nước sản xuất, sinh hoạt, dân sinh, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, giảm nhẹ lũ hạ lưu, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

Có nước, những vùng đất khô cằn, bạc màu đã được phủ kín màu xanh của lúa, nho, táo... Nước được dẫn đến đâu, lúa, nho, táo phát triển đến đó, đời sống người dân trong tỉnh ngày càng đi lên. Tương lai không xa, khi nông nghiệp phát triển, sẽ kéo theo công nghiệp, thương mại, du lịch của tỉnh “phất cờ” đi lên. Nước về đã mang theo mùa xuân đến, đất cằn sẽ xanh hơn, cây trái sẽ đơm bông nhiều hơn khắp ruộng đồng, vườn rẫy để ôm trọn đời người.