Ninh Phước là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả tỉnh với những cánh đồng lúa trải dài, thế nhưng sẽ chẳng có gì thay đổi nếu như huyện không tiên phong thực hiện những mô hình chuyển giao khoa học - công nghệ. Tôi là phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp, dự nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch nhân rộng các mô hình sản xuất mới do UBND tỉnh tổ chức, chứng kiến đợt nào lãnh đạo huyện Ninh Phước cũng xung phong làm trước, với quyết tâm cao. Thành công từ mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, tạo niềm tin vững chắc để huyện đăng ký với tỉnh tiếp tục triển khai mô hình trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao quy mô 20 ha ở xã An Hải trong năm 2018. Ninh Phước thực sự đã tìm được hướng đi khác biệt làm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang tập trung có sự liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, bên cạnh phát triển các loại cây trồng chủ lực như nho, táo, gần đây huyện tập trung chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế mở rộng diện tích măng tây xanh, tạo đột phá trong nâng cao giá trị đơn vị diện tích. Ngày xuân, về xã An Hải, nghe nông dân kể chuyện trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm mới biết ngành Nông nghiệp tỉnh ta nói chung, huyện Ninh Phước nói riêng đã bức phá vươn lên tầm cao mới.
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) áp dụng biện pháp Endophyte Nano
canh tác cây táo đạt năng suất, chất lượng cao. Ảnh: S.N
Cũng đi tìm sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp, nhưng huyện Ninh Hải lại có cách làm riêng, đó là chú trọng đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Giống nho NH01-152 có ưu điểm vượt trội về năng suất, màu sắc thay đổi theo chu kỳ phát triển, được trồng nhiều ở xã Vĩnh Hy đã làm “đổi đời” không ít nông dân nơi vùng đất thiếu nước. Những chùm nho “ba màu” (theo cách gọi của khách du lịch) ngày thường có giá đã cao, đến Tết tăng lên gấp nhiều lần nhưng sản xuất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Theo ghi nhận của chúng tôi, thành tích đáng kể trong sản xuất nông nghiệp năm 2018 của huyện là do sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện Ninh Hải đối với vùng trồng nho tập trung ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch tham quan vườn cây ăn trái, thu hút nhiều du khách, góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho nông dân. Trước đây sản xuất 1 ha nho, hộ trồng thu lời khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm, nhưng hiện nay tăng lên trên dưới 1 tỷ đồng. Cùng với cây nho, nghề trồng táo, tỏi cũng có sự thay đổi toàn diện trong ứng dụng giống mới, áp dụng quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Nông dân xã Nhị Hà (Thuận Nam) trồng thanh long ruột đỏ trên đất lúa kém hiệu quả cho thu nhập cao.
Năm 2018, đánh dấu mốc quan trọng của ngành Nông nghiệp là tỉnh đã lựa chọn 12 sản phẩm đặc thù công bố rộng rãi trên toàn quốc; trong đó, đáng kể là thương hiệu Tôm giống Ninh Thuận đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Để tiếp tục giữ vững lợi thế cạnh tranh, nâng cao tầm thương hiệu và ngôi vị số 1 về tôm giống, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, mở rộng những trại sản xuất tôm giống sạch bệnh có sự liên doanh, liên kết với nước ngoài. Góp phần vào nâng tầm thương hiệu Tôm giống Ninh Thuận, Tập đoàn Việt Úc đã hoàn thành Trung tâm sản xuất tôm giống bố mẹ tại thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh (Thuận Nam) với công suất 300.000 cặp/năm; Công ty TNHH Moana Ninh thuận cũng mở rộng khu sản xuất tôm sú bố mẹ, nâng sản lượng từ 18.000 cặp lên 30.000 cặp/năm.
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Giống thủy sản GROBEST, xã An Hải (Ninh Phước)
kiểm tra chất lượng tôm giống tại bể nuôi. Ảnh: H.P
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh ta là địa phương khô hạn nhất cả nước, chính trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù, chất lượng cao. Khi diện tích đất canh tác không thể mở rộng, việc lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng ở từng khu vực, cũng như chú trọng tăng hàm lượng khoa học vào các sản phẩm là hướng đi tất yếu để gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân. Qua thực tế chỉ đạo thực hiện Chương trình đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh, cho thấy có một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao không cần nhiều quỹ đất, nhưng doanh thu lớn. Những mô hình trồng hoa lan trong nhà kính, trồng nho, táo, măng tây xanh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước triển khai gần đây đã biến nhiều vùng đất khô hạn trở thành những cánh đồng chuyên canh cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao.
Thêm một mùa xuân trên những cánh đồng công nghệ cao, đem đến cho nông dân cuộc sống no đủ. Với khát vọng vươn lên, chủ động biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế so sánh, kỳ vọng ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục làm hồi sinh thêm những vùng đất bạc màu bằng những cây trồng đặc thù của xứ sở “đầy nắng và gió”.
Anh tùng