Năm qua, trên địa bàn tỉnh ta ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư các công trình năng lượng tái tạo, làm thay đổi rõ rệt về bộ mặt tỉnh nhà. Từ một vùng đất nhiều nắng gió, khắc nghiệt, đất đai cằn khô, nhưng với hướng đi phù hợp, trên những vùng đất khó này đang mọc lên những công trình mới, với hàng loạt dự án năng lượng điện gió và điện mặt trời.
Một trong những công trình được triển khai sớm và khẩn trương hòa vào lưới điện quốc gia trong năm 2018 đó là Dự án Nhà máy Điện gió Đầm Nại. Theo vị chuyên gia người Pháp đang trực tiếp điều hành thi công tại công trình này, ông từng có trên 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và thực hiện các dự án năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chưa ở đâu mang lại hiệu quả về hiệu suất điện năng tốt như ở Ninh Thuận. Dẫn chúng tôi vào ca bin vận hành tại trụ điện gió khổng lồ, chỉ tay vào những thông số trên màn hình điện tử, ông khẳng khái cho biết thêm: Đây là những thông số về lượng gió và hiệu suất điện năng thu được. Hiện nay, Ninh Thuận đang đạt vận tốc gió trên 16m/s, có thời điểm 21m/s. Thời gian có gió để vận hành ổn định tuabin đạt trên 8 tháng trong năm, cao hơn nhiều khu vực khác từng làm điện gió trên thế giới. Trong khi đó, đây là vùng đất không chịu tác động nhiều của các cơn bão từ Biển Đông nên việc vận hành khá an toàn. Qua thời gian đưa vào vận hành thử nghiệm ban đầu đối với 3 trụ tuabin gió trong 8 tháng đã mang lại doanh thu trên 45 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách trên 4,5 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn 2 của dự án với 15 tuabin gió được vận hành ổn định…
Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Điện gió, Điện mặt trời Trung Nam (Thuận Bắc).
Cũng là dự án điện gió với tốc độ thi công khẩn trương, sử dụng công nghệ tuabin tiên tiến không hộp số, dự án Điện gió Mũi Dinh với 16 trụ điện gió cũng vừa hoàn thành, đang trong giai đoạn chạy thử chờ đấu nối hòa lưới điện quốc gia. Tiếp chúng tôi, ông Lê Văn Lâm, Chỉ huy trưởng công trường điện gió Mũi Dinh cho biết: Lợi thế của điện gió là không chiếm nhiều diện tích về đất đai, tạo cảnh quan hấp dẫn người dân và du khách, cung cấp nguồn năng lượng sạch phù hợp với xu thế phát triển ổn định lâu dài, góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Dưới những công trình điện gió, người dân vẫn có thể sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp hoặc làm các dịch vụ du lịch phục vụ khách tới thăm quan trải nghiệm trên dọc tuyến đường ven biển này.
Đối với công trình điện năng lượng mặt trời, dự án BIM 2 tại xã Phước Minh (Thuận Nam) được đánh giá là đại công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Đây là dự án có lợi thế về dải đất rộng, khá bằng phẳng. Tuy nhiên do không thuận lợi về nguồn nước sản xuất nên việc sử dụng để thực hiện công trình điện năng lượng mặt trời là rất phù hợp, nhằm phát huy lợi thế đất đai. Sau khi có quyết định đầu tư, chủ dự án đã khẩn trương tổ chức triển khai thi công. Trên công trường này hiện có trên 1.000 công nhân, chủ yếu là người dân địa phương tham gia xây dựng, lắp đặt các thiết bị. Với nhiều máy móc và công nghệ hiện đại, hiện nay trên 247,5 ha đất thuộc dự án đã cơ bản lắp đặt xong các tấm pin năng lượng, tạo nên một “cánh đồng” năng lượng màu tím thẫm rộng mênh mông, đầy sức sống. Kỳ vọng của chủ dự án, không chỉ cung cấp nguồn điện với công suất trên 250MW, mà còn tận dụng đất dưới các tấm pin để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
Công nhân lắp đặt tấm pin mặt trời tại dự án Năng lượng điện mặt trời BP Solar xã Phước Hữu (Ninh Phước).
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay về dự án điện mặt trời, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án với tổng công suất 1.788,79MW, trong đó có 18 dự án đã khởi công, 19 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện PPA, với tổng cộng 1.002,9MW. Dự kiến đầu năm 2019, có 3 dự án đi vào hoạt động, với công suất 75,8MW. Đến giữa năm 2019, dự kiến sẽ tiếp tục đưa vào vận hành 13 dự án, công suất 922MW. Về dự án điện gió, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án, với tổng công suất 798,75MW, trong đó có 3 dự án đi vào hoạt động là điện gió Đầm Nại, điện gió Trung Nam và điện gió Mũi Dinh. Bên cạnh đó, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được cấp quyết định đầu tư cũng sẽ tiếp tục khởi công, hoàn thành trong năm 2019.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ninh Thuận chủ trương giới thiệu đầu tư những công trình điện gió, điện mặt trời tại những vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, đất bị phong hóa, nghèo dinh dưỡng, không chủ động về nguồn nước. Để nhằm khai thác tối đa giá trị đất và tạo động lực phát triển cho những địa phương còn nhiều khó khăn. Không chỉ tạo ra giá trị kinh tế từ nguồn điện năng mà tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, đầu tư thêm những công trình xây dựng cơ bản, nâng cao mức sống của người dân vùng dự án. Cùng với những công trình này, tỉnh chủ trương thu hút những dự án đầu tư nghiên cứu hiện đại hóa công nghiệp điện, xứng tầm là trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Mặt khác tận dụng tối đa giá trị đất đai dưới những công trình này để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch với những sản phẩm đặc thù, tạo sự hài hòa trong phát triển tổng thể. Chúng tôi coi đây là lĩnh vực đột phá hàng đầu để tỉnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, biến những bất lợi trở thành lợi thế phát triển bền vững.
Những vùng đất khô cằn, hoang hóa ngày nào, nay được phủ kín bởi những tấm pin năng lượng mặt trời, trở thành những “cánh đồng” năng lượng trải dài tít tắp. Xa xa, trên những cánh đồng lúa, triền núi, dọc bờ biển xanh những cánh quạt gió khổng lồ cứ cần mẫn quay, mang lại nguồn năng lượng như vô tận. Để mai đây, những vùng đất khô cằn, nắng gió trở mình vươn dậy với những sức bật mới, những khát khao triển vọng mới.
Anh Tuấn