Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của ngành công thương, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Công Thương đã đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng; trong đó, tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Dây chuyền sản xuất tất tại Công ty TNHH Dệt Nhuộm Jasan Việt Nam, vốn đầu tư
của Trung Quốc, tại khu công nghiệp VSIP (Hải Phòng). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong năm nay, Bộ sẽ triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, Bộ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Bộ Công Thương sẽ rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, Bộ Công Thương đã giao Cục Công nghiệp rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
“Thời gian tới, sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên; trong đó, có công nghiệp hỗ trợ để năng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ các doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu...”, ông Hoàng Quốc Vượng nói.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ, kết nối tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm; có chính sách ưu tiên đối với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành.
Dự báo từ Bộ Công Thương cho hay, năm 2019, phát triển sản xuất công nghiệp có thuận lợi, như: môi trường kinh doanh được cải thiện một cách mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất, cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp năm 2019 tiếp tục phải đối mặt với những thách thức như: chưa có những dự án mới, có quy mô lớn và có tác động lan tỏa, đóng góp cho tăng trưởng và tạo sự bứt phá của ngành; chưa có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ diễn ra còn chậm, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghệ mới có lợi thế...
Bộ Công Thương dự kiến, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10% so với năm 2018. Cụ thể, các nhóm ngành: Khai khoáng bằng 91% so với năm 2018, Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13%, Sản xuất phân phối điện tăng từ 9,5-10%.
Theo Báo Tin tức-TTXVN