Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhờ có nhiều loại hình kinh doanh đa dạng, nên kết thúc năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 13,87% so với năm 2017. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu của hoạt động thương mại là lĩnh vực thương nghiệp với tổng doanh thu đạt khoảng 15.300 tỷ đồng (chiếm 76,45%), tăng 13,55%; tiếp đến là các nhóm ngành: Khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành đạt trên 2.984 tỷ đồng (chiếm 14,92%), tăng 15,57%; nhóm ngành dịch vụ dù chỉ chiếm tỷ trọng 8,63% nhưng vẫn đóng góp vào nguồn thu không nhỏ, với tổng giá trị hơn 1.727 tỷ đồng, tăng 13,82% so với cùng kỳ. Riêng hoạt động xuất khẩu, tổng kim ngạch trong năm đạt 85 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó, hai mặt hàng chủ lực là hạt điều nhân đạt 41 triệu USD tăng 0,2% và thủy sản đạt 37 triệu USD, tăng 15,7%, được xem là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
Người dân mua sắm điện gia dụng tại chợ Phan Rang (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2018 tiếp tục phát triển và giữ mức tăng trưởng khá là nhờ nhu cầu vui chơi, tham quan, giải trí, mua sắm và dịch vụ tiêu dùng của người dân và khách du lịch tăng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, hải sản...cũng tăng; giá xăng dầu điều chỉnh tăng trong thời gian qua cũng đã góp phần làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Kết quả trên đã góp phần đưa doanh thu nhóm: Lương thực - thực phẩm tăng 14,81%; dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 15,64%; khách sạn, nhà hàng tăng 14,69%; vật phẩm văn hóa và giáo dục tăng 16,78%; đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng 15,70%.
Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển thị trường và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia, Sở Công Thương phối hợp tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về miền núi tại địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ nguồn ngân sách địa phương 18 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa phục vụ tết; phối hợp với UBND các huyện và 4 doanh nghiệp tổ chức 9 điểm bán hàng hóa thiết yếu bình ổn giá trên địa bàn thành phố; tổ chức 65 chuyến bán hàng lưu động về phục vụ người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở 36 xã của 6 huyện trong tỉnh. Phối hợp tổ chức 2 hội chợ thương mại, trong đó có 1 hội chợ có quy mô cấp khu vực miền Trung-Tây nguyên và một số tỉnh Nam bộ để quảng bá, xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng hàng hóa...
Trên cơ sở đánh giá kết quả doanh thu và thực tế hoạt động của hệ thống thương mại hiện có, trong năm 2019, Sở Công Thương tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và Kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương để tập trung đầu tư phát triển hệ thống thương mại phù hợp theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương, mua sắm của nhân dân. Phấn đấu đến cuối năm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 23.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 19-20% so với cùng kỳ năm trước. Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, Sở Công Thương tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và doanh nghiệp để đẩy mạnh việc xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị đi đôi với việc mở rộng hệ thống các chợ. Quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin dự báo thị trường cho các doanh nghiệp.
Tăng cường các hoạt động kết nối cung-cầu; liên kết với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đã Nẵng, các tỉnh vùng lân cận để tiêu thụ sản phẩm đặc thù của tỉnh. Xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; chuyển đổi mô hình quản lý chợ; phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020; thực hiện Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; chương trình xúc tiến thương mại năm 2019; tổ chức các hội chợ thương mại, các phiên chợ về nông thôn, miền núi theo chương trình, đề án đã được duyệt. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyền truyền về cộng đồng kinh tế ASEAN; hiệp định thương mại tự do; cơ hội và thách thức đối với các nhóm ngành hàng cụ thể, các nhóm doanh nghiệp cụ thể trong việc thực hiện các cam kết hội nhập. Trước mắt, Sở Công Thương tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để người dân và các doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và dự trữ các loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019. Tăng cường kiểm soát hệ thống phân phối lưu thông, việc thanh, kiểm tra, niêm yết giá bán của tiểu thương, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của nhà nước.
Văn Thanh