Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong tổng số 23 sản phẩm chủ lực của ngành, có 17 sản phẩm đạt, vượt kế hoạch đề ra, trong đó có một số sản phẩm vượt khá cao như: Muối biển vượt 65%; tinh bột mỳ vượt 6,2%; đường RS vượt 4,8%; may công nghiệp vượt 3,3%... Kết quả trên góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành CN đạt 6.446 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ; trong đó: CN chế biến, chế tạo đạt gần 5.740 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 89% toàn ngành), tăng 13,5%; CN khai khoáng đạt trên 280 tỷ đồng, tăng 32,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải đạt 135 tỷ đồng, tăng 10,3%; năng lực mới tăng thêm (điện gió Đầm Nại) đóng góp khoảng 57 triệu kWh, chiếm 4% sản lượng điện trong năm.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành CN là lĩnh vực khai khoáng. Với giá trị sản xuất tăng 32,8%, trong đó ngành khai thác muối biển tăng trưởng vượt bậc với 2,5 lần đã đóng góp đưa chỉ số sản xuất nhóm CN này tăng 34,1% so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là nhóm CN chế biến, chế tạo nhờ một số ngành hàng chính tiếp tục duy trì và tăng trưởng khá như: Chế biến muối tăng 50,7%; tôm đông lạnh tăng 22,66%; nhân điều tăng 17,6%; quần áo may sẵn tăng 10,12%; bia đóng lon tăng 15,38%; khăn bông các loại tăng 36,3%... đã đóng góp đưa chỉ số sản xuất tăng 13,7%. Nhóm cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giữ mức tăng trưởng ổn định với 4,1%. Riêng nhóm sản xuất, phân phối điện do trong năm lượng mưa ít phải thực hiện kế hoạch dự trữ nước nên hầu hết các Nhà máy thủy điện như: Đa Nhim sản xuất chỉ đạt 923 triệu kWh, giảm 37%; Sông Ông sản xuất đạt 40,258 triệu kWh, giảm 22%; Quảng Sơn sản xuất đạt 27 triệu kWh, giảm 27,8%; Hạ Sông Pha sản xuất đạt 50 triệu kWh, giảm 26,5% đã tác động làm nhóm ngành CN này giảm 9,9%.
Nhân viên Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Ninh Thuận kiểm tra sản phẩm sau khi đóng thùng.
Về tình hình thu hút đầu tư và triển khai dự án, đến ngày 31-10-2018, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 59 dự án với tổng vốn trên 42.926 tỷ đồng, tăng 1,3 lần số dự án và tăng 2,24 lần tổng vốn so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay; chấp thuận chủ trương về địa điểm 25 dự án tổng vốn đăng ký 23.817 tỷ đồng. Khâu đột phá về năng lượng tái tạo được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tích cực, ngoài việc trình Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch điện lực, đôn đốc phê duyệt Quy hoạch điện mặt trời, tỉnh còn tham mưu Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 15 dự án điện mặt trời, nâng tổng số dự án đã bổ sung vào quy hoạch lên 29 dự án, với tổng công suất 1.938,8 MW, trong đó có 14 dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngoài ra, trong năm tỉnh còn hỗ trợ, đôn đốc khởi công 18 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió Đầm Nại giai đoạn 2 (vượt chỉ tiêu đề ra 4-5 dự án); đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 3 dự án điện gió Trung Nam, Mũi Dinh, Đầm Nại, đến nay đã hoàn thành xây dựng 27 trụ gió, trong đó điện gió Đầm Nại có 15 trụ đã vận hành thương mại. Dự kiến đến hết tháng 12-2018 tiếp tục hoàn thành đưa vào vận hành 9 trụ gió với công suất 21,15MW, trong đó Dự án điện gió Trung Nam có 3 trụ và điện gió Mũi Dinh có 6 trụ.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, tỉnh ta phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành CN đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 18-19% so với cùng kỳ năm 2018. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Công Thương tiếp tục bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Công Thương chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để phát huy hiệu quả năng lực các sản phẩm hiện có. Phối hợp các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu CN như: Du Long, Cà Ná gắn với xây dựng cảng biển và phát triển dự án điện khí trong khu CN Cà Ná và Tổng kho LNG để tăng năng lực sản xuất mới. Triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm CN Quảng Sơn để đảm bảo điều kiện kêu gọi đầu tư và đáp ứng nhu cầu đăng ký thực hiện đầu tư các dự án thứ cấp.
Công nhân Công ty Cổ phần năng lượng BIM thi công các tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Văn Miên
Ngoài các giải pháp kể trên, ngành Công Thương còn tham mưu lộ trình đầu tư hạ tầng truyền tải đường dây 500kV và 220kV từ nay đến năm 2020 để giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời, đảm bảo các dự án năng lượng khi hoàn thành được vận hành và hòa lưới điện quốc gia. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành CN theo hướng nâng cao tỷ trọng CN chế biến và CN năng lượng để tạo động bứt phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án năng lượng (điện gió, điện mặt trời) đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành đưa vào vận hành thương mại khoảng 10 dự án điện mặt trời; đồng thời hỗ trợ các dự án đã cấp chủ trương đầu tư hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng, tạo năng lực mới tăng thêm, đưa ngành CN “cất cánh” vươn xa trong thời gian tới .
Văn Thanh