Để được công nhận, các sản phẩm đạt 8 tiêu chí theo thứ tự ưu tiên: Lịch sử phát triển; danh tiếng; chất lượng; quy mô thị trường và quy mô phát triển; an toàn và thân thiện môi trường; ngành công nghiệp đa dạng hóa sản phẩm trong chế biến; mức độ an toàn lan tỏa các lĩnh vực, ngành nghề khác; chính sách ưu đãi nhà nước.
Góp phần vào thực hiện đạt các tiêu chí phải kế đến Sở Công Thương đã triển khai nhiều chương trình hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ về sản xuất, chế biến và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước thông qua các hội nghị kết nối “cung- cầu” hàng hóa, hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chất lượng sản phẩm cho 150 cơ sở công nghiệp nông thôn, 3 đợt khảo sát học tập kinh nghiệm các mô hình tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành phố; hỗ trợ 18 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, chuyển giao thiết bị chế biến rượu vang nho, dây chuyền sấy mứt rong sụn. Thông qua hoạt động hỗ trợ, các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ. Đến nay, các sản phẩm đặc thù tỉnh đã có mặt trong hệ thống Co.opMart, Vinmart, BigC, Lotte, chợ đầu mối tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước và cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đây là những kênh phân phối uy tín, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
Kết quả đạt được trong phát huy giá trị các sản phẩm đặc thù là đáng ghi nhận, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay gặp không ít khó khăn, một số sản phẩm chưa được ký hợp đồng tiêu thụ trước khi sản xuất, hình thức sản xuất manh múm, theo kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến tình trạng mất cân đối “cung - cầu”, giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ gây thiệt thòi cho nông dân. Hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chưa thể hình thành mô hình phát triển ổn định và bền vững; hàng hóa nông sản chưa xác định rõ về số lượng, chất lượng đối với từng thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cung ứng.
Đồng chí Nguyễn Văn Luông, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Để phát triển sản phẩm đặc thù góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Sở Công Thương đề xuất định hướng liên kết sản xuất theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu lựa chọn, áp dụng hình thức liên kết phù hợp theo đặc điểm từng nhóm, ngành hàng và địa bàn sản xuất. Riêng các sản phẩm làng nghề, như: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cần gắn hoạt động sản xuất với phát triển du lịch. Về nhiệm vụ của ngành Công Thương, thời gian tới tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường quảng bá các sản phẩm đặc thù, xúc tiến thị trường nước ngoài, thâm nhập vào hệ thống phân phối như: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; đồng thời, nghiên cứu ký kết hợp tác gắn với các sự kiện để giới thiệu hàng hóa đến với những tỉnh, thành phố có nhiều du khách quốc tế. Phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thành lập những hợp tác xã kiểu mới có tư cách pháp nhân để xây dựng các chuỗi khép kín sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã cho các sản phẩm đặc thù; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong chế biến các mặt hàng nông, thủy sản để nâng cao tính cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Anh Tùng