Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Năm 2018, đơn vị được giao kế hoạch tín dụng 2.011,664 tỷ đồng, đến đầu tháng 11 đã thực hiện đạt 2.004,534 tỷ đồng, tăng 222,870 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 37,267 tỷ đồng, tăng 5,2 tỷ đồng và đạt 104% kế hoạch giao; nguồn vốn huy động đạt 144,673 tỷ đồng, tăng 3,150 tỷ đồng so với tháng trước, tăng 32,553 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 99,7% chỉ tiêu kế hoạch. Trong số này, tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân 77,795 tỷ đồng, tăng 24,430 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 99,3% kế hoạch; tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn 66,877 tỷ đồng, tăng 3,116 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 95,5% kế hoạch. Các địa phương có tiền gửi từ tổ chức, cá nhân tăng khá, gồm: Ninh Phước tăng 219 triệu đồng; Ninh Hải tăng 1,449 tỷ đồng; Ninh Sơn tăng 5,176 tỷ đồng; hội sở tỉnh tăng 8,250 tỷ đồng; Thuận Bắc tăng 3,747 tỷ đồng; Thuận Nam tăng 3,949 tỷ đồng và Bác Ái tăng 1,640 tỷ đồng.
Nhờ được vay nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển
chăn nuôi và trồng trọt, năm 2017, bà Ka-tơ Thị Be ở thôn Tà Dương,
xã Phước Thái (Ninh Phước) đã thoát nghèo.
Mặc dù các địa phương, đơn vị nhận ủy thác đã tích cực thực hiện việc phối hợp giải ngân nguồn vốn kịp thời cho các hộ vay. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện tại vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao. Tính thời điểm đầu tháng 11-2018, tổng các khoản nợ này là 25,356 tỷ đồng, tăng 1,893 tỷ đồng so với đầu năm (chiếm tỷ lệ 1,27% trên tổng dư nợ tín dụng). Trong đó, nợ quá hạn 9,371 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,47% trên tổng dư nợ), tăng 574 triệu đồng so với đầu năm; nợ khoanh 15,985 tỷ đồng, tăng 1,319 tỷ đồng so với đầu năm (chiếm tỷ lệ 0,8% trên tổng dư nợ). Trong tổng số nợ quá hạn và nợ khoanh kể trên, hiện có 188 hộ/2,126 tỷ đồng đang được lập hồ sơ trình xử lý rủi ro đợt 3 năm 2018. Số hộ vay đi làm ăn xa chưa thể xử lý được nợ 1,644 tỷ đồng/181 hộ. Hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú nhưng không đủ điều xử lý rủi ro 2,385 tỷ đồng/205 hộ. Số hộ vay đang thực hiện trả dần 1,116 tỷ đồng/209 hộ. Hộ vay có điều kiện nhưng chây ỳ không trả nợ 1,7 tỷ đồng/140 hộ và nguyên nhân khác 310 triệu đồng/38 hộ.
Để đảm bảo việc thu hồi nợ đúng kế hoạch, thời gian qua, Ban Đại diện – Hội đồng quản trị các cấp đã phối hợp các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời tiến hành thực hiện công tác đối chiếu, phân loại nợ. Kết quả, đến ngày 4-11 có 65/65 xã và 1.632/1.638 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã thực hiện đối chiếu, trong đó có 487 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã hoàn thành; tổng số khách hàng đã đối chiếu 66.933/75.359, đạt 89% và tổng dư nợ đã đối chiếu là 1.742 tỷ đồng/1.926 tỷ đồng, đạt 90%.
Theo NHCSXH tỉnh, đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn Trung ương còn tồn chưa giải ngân 12 tỷ đồng, tập trung ở các chương trình: Giải quyết việc làm 1,902 tỷ đồng; cho vay phát triển nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg 1,041 tỷ đồng; cho vay phát triển nhà ở xã hội 9,145 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn địa phương còn tồn chưa giải ngân 6,723 tỷ đồng; trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo 1,918 tỷ đồng (dự phòng cho vay nhà ở 167 Ninh Sơn); chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 995 triệu đồng; xuất khẩu lao động 3,810 tỷ đồng và nguồn vốn của Tỉnh đoàn chuyển sang còn 150 triệu đồng.
Để kịp thời giải ngân hết nguồn vốn còn lại, tập trung xử lý nợ theo đúng quy định, NHCSXH tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp để tăng cường giám sát, quản lý chặt nguồn vốn chính sách. Trong đó, trọng tâm là tham mưu cho đảng ủy, chính quyền các cấp về triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Rà soát các chỉ tiêu tín dụng được giao, tham mưu và phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng, nhất là nguồn vốn các chương trình còn tồn. Tiếp tục theo dõi và đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác đối chiếu, phân loại nợ, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn. Thường xuyên chỉ đạo công tác củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã... để gắn tăng trưởng tín dụng với nâng cao chất lượng hồ sơ cho vay, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách theo hướng an toàn và hiệu quả.
Văn Thanh