Trung tâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện nhân rộng mô hình Thâm canh lúa theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, những mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng khu vực như thâm canh cây măng tây xanh, tưới tiết kiệm nước trên cây trồng; sử dụng máy dò ngang, hầm bảo quản trên tàu cá cũng được các nông hộ nhân rộng. Lĩnh vực chăn nuôi, đáng kể nhất là phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi nhân rộng mô hình trồng cỏ VA-06 và cỏ lá sả lớn, quy mô 7,5 ha tại xã Phước Vinh, Phước Sơn (Ninh Phước), góp phần vào phát triển chăn nuôi bền vững. Nét mới trong hoạt động từ đầu năm đến nay là Trung tâm tổ chức thành công Hội thảo nhân rộng mô hình sản xuất với các đối tượng nuôi, trồng đặc thù, như: Nuôi vịt biển sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Hộ Hải và Phương Hải; mô hình trồng rong sụn bằng phương pháp giàn căng trên đáy tại xã Thanh Hải (Ninh Hải). Sau hội thảo, nhiều nông hộ áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, tạo thêm thu nhập.
Nhờ có sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, anh Nguyễn Văn Hùng
ở xã Phước Sơn (Ninh Phước) trồng giống mít ruột đỏ có hiệu quả.
Hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật bằng mô hình trình diễn cũng được Trung tâm quan tâm thực hiện, qua đó đúc rút được kinh nghiệm trong sản xuất, thu hút đông đảo nông hộ tham quan học tập, nhân rộng mô hình. Cụ thể, mô hình thực hiện một số giải pháp kỹ thuật xử lý sâu bệnh, tưới tiết kiệm nước bằng công nghệ nhỏ giọt, phun mưa trên cây bưởi da xanh, cây mãng cầu ở huyện Ninh Phước, Thuận Bắc, Bác Ái được đánh giá có khả năng nhân rộng cao, phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chú trọng phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Đối với công tác khuyến ngư, các mô hình nuôi thủy sản được Trung tâm triển khai ở nhiều địa phương, như: Nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao quy mô 2,5 ha tại thị trấn Khánh Hải; nuôi ốc hương ở khu vực Đầm Nại. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp ngư dân khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế biển để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Khuyến nông tham gia nhiều chương trình, dự án có hiệu quả. Thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đơn vị đã xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình. Tiêu biểu như Dự án hỗ trợ phục hồi sinh kế của những người chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng hạn hán đã hỗ trợ 630 hộ ở xã Phước Thắng (Bác Ái), Phước Ninh (Thuận Nam), Phước Kháng (Thuận Bắc) 12.600 con gà; đồng thời, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt. Riêng thủy sản, đáng kể là hỗ trợ 4 tàu vây rút chì công suất từ 300 - 400 CV tại xã Tri Hải và Thanh Hải lắp đặt hệ thống đèn Led trong đánh bắt hải sản bước đầu có hiệu quả, năng suất khai thác của các tàu sử dụng công nghệ mới tăng 1,5 lần so với phương pháp dùng ánh sáng truyền thống trước đây.
Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Phát huy vai trò cơ quan tham mưu của tỉnh về thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn trong 6 tháng cuối năm 2018, đơn vị chú trọng nghiên cứu, đề xuất đối tượng, vùng chuyển đổi phù hợp, mang tính bền vững; trong đó, tập trung xây dựng mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Tiếp tục bố trí một số mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp; đặc biệt là công nghệ tưới tiết kiệm nước. Tiến hành công tác chuẩn bị thực hiện Dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số Ninh Thuận”. Tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi dê, cừu bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Anh Tùng