Câu chuyện liên kết thực hiện mô hình cánh đồng lớn

(NTO) Các địa phương trên toàn tỉnh đang đẩy mạnh triển khai mô hình cánh đồng lớn (CĐL) đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cũng trên đồng đất ấy, trước đây sản xuất nhỏ lẻ theo từng hộ cá thể lợi nhuận thu được thấp, nhưng khi tổ chức sản xuất theo mô hình CĐL đã nâng cao năng suất lên gấp rưỡi so với canh tác theo phương thức truyền thống. Tuy vậy, ở một số nơi, quá trình triển khai thực hiện mô hình vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu chặt chẽ.

Vụ đông - xuân vừa qua, HTX Kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu (Ninh Phước) liên kết với Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố và Công ty TNHH - MTV Nông Hưng Phát thực hiện CĐL sản xuất lúa giống quy mô 150 ha. Nỗ lực mời gọi 2 công ty tham gia chương trình là thành công lớn, bởi doanh nghiệp cam kết giải quyết 2 khâu khó khăn nhất của nông dân là đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm. Đối với Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố đã cung ứng giống lúa TH 41 nguyên chủng trên diện tích 126 ha với phương thức cho nợ đến cuối vụ thanh toán không tính lãi; đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn trong quá trình sản xuất, thu mua sản phẩm với giá cao hơn 500 đồng/kg so với giá ngoài thị trường thời điểm hiện tại. Công ty TNHH - MTV Nông Hưng Phát cũng đã cung cấp giống lúa ML 48 với diện tích 24 ha cùng với những cam kết tương tự.

Nông dân Ninh Sơn thu hoạch mía.

Mối liên kết sản xuất ban đầu diễn ra thuận lợi, nhưng đến cuối vụ xảy ra “rạn nứt” mà nguyên nhân xuất phát từ cả 2 bên. Về phía nông dân do có một số hộ không tuân thủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của doanh nghiệp nên sản phẩm làm ra chưa đạt yêu cầu chất lượng. Hạn chế này dẫn đến doanh nghiệp chỉ thu mua một phần, số còn lại phải bán theo giá lúa thương phẩm khiến nông dân bị thua thiệt. Bài học rút ra từ thực tế sản xuất là, khi tham gia vào “sân chơi” lớn, nông dân phải vượt qua được “rào cản” kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn hàng chất lượng cao của đối tác. Đối với doanh nghiệp cần quan tâm chuyển giao giống tốt, tránh trường hợp để nông dân phàn nàn như trong thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa ở xã Phước Hậu.

Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là chuyện thường, nhưng biết chia sẻ khó khăn cho nhau mới là điều nên cùng hướng tới để mối liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp ngày càng khắng khít hơn. Câu chuyện các hộ trồng mía ở huyện Bác Ái, Ninh Sơn đồng ý hạ giá mía xuống 800.000 đồng/tấn, thấp hơn 50.000 đồng so với hợp đồng ký kết thu mua đầu niên vụ 2017 - 2018 nhằm san sớt lợi nhuận cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang cũng là tự cứu mình trong bối cảnh thị trường hàng nông sản có nhiều biến động. Vụ hè - thu 2018, tỉnh chỉ đạo các huyện tiếp tục nhân rộng mô hình CĐL với quy mô lớn hơn, khâu tổ chức thực hiện bài bản hơn. Để gặt hái được thành công, không gì hơn là doanh nghiệp và nông dân phải tìm được tiếng nói chung.