Vụ hè - thu 2018, toàn tỉnh gieo trồng 21.213 ha cây trồng các loại; trong đó, lúa 12.593 ha, số diện tích còn lại là đậu, bắp và rau màu các loại. Điểm nổi bật trong vụ này là các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung; đồng thời, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn hơn so với vụ đông - xuân. Ngành chức năng, các địa phương đang triển khai chương trình công tác hướng dẫn nông dân thực hiện kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo quy trình VietGAP nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đối với sản xuất lúa, công tác bảo vệ thực vật được chú trọng, nên chưa xuất hiện sâu bệnh phá hoại mùa màng, trà lúa chính vụ đang ở giai đoạn đẻ nhánh, bà con ra đồng làm cỏ, bón phân đợt 1. Riêng trà lúa muộn, có một số nơi gieo sạ bằng tay thiếu đồng đều, bà con đang thực hiện tỉa dặm, tránh lúa đẻ nhánh kém. Anh Đàng Ngọc Cảnh ở xã Phước Thuận (Ninh Phước), cho biết: Vụ này tôi tham gia CĐL, thực hiện gieo sạ theo hàng bằng công cụ kéo tay nên giảm được giống từ 22 kg xuống còn 18 kg/sào, lúa phát triển nhanh. Nhờ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi điều tiết nước luân phiên hợp lý, nên từ khi xuống giống đến nay nước tưới vào đều tất cả các chân ruộng, ngăn ngừa được cỏ dại phát triển. Tại những nơi lần đầu triển khai mô hình CĐL như ở xã Phước Hữu (Ninh Phước), xã Bắc Phong (Thuận Bắc) công tác chăm sóc lúa được các cấp, ngành quan tâm vào cuộc giúp nông dân. Ngay từ đầu vụ, UBND các huyện chỉ đạo nhất quán sản xuất tập trung, gieo đồng loạt cùng một loại giống xác nhận, nên thuận lợi cho việc theo dõi sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật ngay tại đồng ruộng đúng vào thời điểm lúa ở giai đoạn sinh trưởng.
Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Phước Sơn (Ninh Phước) chăm sóc
cây khổ qua ở vùng chuyển đổi cây trồng cạn.
Ở những vùng chuyển đổi cây trồng cạn, cán bộ kỹ thuật cũng đã đồng hành với nông dân thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây trồng, kiểm tra sâu bệnh hại có hướng xử lý kịp thời, quản lý tưới tiêu hợp lý. Được sự hướng dẫn của ngành chức năng, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn (Ninh Phước) đã cải tạo 3 sào đất trồng khổ qua theo phương pháp lô dàn bắt đầu cho trái bói. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, anh thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép lại quá trình sản xuất đúng theo yêu cầu của thương lái ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm. Vùng chuyển đổi cây trồng ngắn ngày có diện tích lớn là cây đậu xanh (116 ha) cũng được ngành chức năng quan tâm hỗ trợ nông dân chăm sóc.
Rút kinh nghiệm từ một số diện tích cây đậu xanh ở vùng chuyển đổi xã Phước Hà (Thuận Nam) bị chết ở vụ hè - thu năm 2017 do bà con sử dụng phương pháp tưới xả tràn bị ngập úng, vụ này ngành chức năng khuyến cáo các nông hộ áp dụng hình thức tưới tiết kiệm nước, chú ý khơi thông dòng chảy trong trường hợp trời có mưa. Riêng măng tây xanh là đối tượng cây trồng dài ngày mới được đưa vào sản xuất ở vùng chuyển đổi trong kế hoạch với diện tích 16,5 ha (Thuận Bắc 10 ha, Ninh Hải 5,5 ha) công tác chăm sóc đặc biệt được nông dân và ngành chức năng quan tâm hàng đầu. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Măng tây xanh thích hợp với những vùng đất pha cát ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang -Tháp Chàm), xã An Hải (Ninh Hải), khi mở rộng diện tích canh tác sang các địa phương khác, công tác chăm sóc phải có những điều chỉnh nhất định. Để đảm bảo cây con phát triển tốt, bà con chú ý đến giữ độ ẩm, độ tơi xốp cho đất bằng phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ, vun luống thẳng hàng.
Với việc chủ động, tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng của ngành chức năng, các địa phương, nông dân trên toàn tỉnh, tin tưởng sẽ có thêm mùa vụ thắng lợi, góp phần vào thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của tỉnh.
Anh Tùng