Hiệu quả mô hình nuôi dông trên cát

(NTO) Thôn Hòa Thủy là khu dân cư đi đầu thực hiện thành công mô hình nuôi dông trên cát ở xã Phước Hải (Ninh Phước). Nông dân đầu tư xây dựng chuồng trại phù hợp với điều kiện tự nhiên, tạo môi trường thuận lợi cho con dông sinh sản, phát triển. Mô hình nuôi dông trên cát phát huy hiệu quả đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nông dân nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Anh Trần Thanh, Trưởng Ban quản lý thôn Hòa Thủy trao đổi với chúng tôi về mô hình nuôi dông trên cát của nông dân địa phương. Chỉ tay về hướng động cát đỏ au kéo dài tít tắp ở phía Đông thôn Hòa Thủy, anh Thanh cho biết: Động cát đó là “thủ phủ” của nghề nuôi dông sinh sản. Bà con ra vùng động cát xây dựng chuồng trại thả hàng ngàn con dông nuôi bán thâm canh. Chuồng trại nuôi dông rất đơn giản, bà con xây móng bao che bằng đá chẻ sâu 50- 60 cm, xây gạch táp-lô bao che cao khoảng 1,5m hoặc rào lưới chung quanh khu đất. Trên nền chuồng đắp mô đất kết hợp trồng cỏ và cây xanh tạo môi trường tự nhiên cho dông sinh trưởng. Rau muống, rau cải, cây đậu là những món ăn “khoái khẩu” của con dông. Ngoài nguồn thức ăn do chủ nuôi cung cấp, con dông tự tìm kiếm bổ sung thêm thức ăn từ môi trường chuồng nuôi tự nhiên. Nhờ nguồn thu nhập từ nghề nuôi dông có giá trị kinh tế cao góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân địa phương. Hòa Thủy hiện có 40 hộ nuôi dông trên cát với diện tích 2 ha, mỗi năm cung cấp khoảng 2 tấn dông thương phẩm cho thị trường các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Thịt dông giàu dinh dưỡng chế biến rất nhiều món ngon được thực khách ưa chuộng trong các nhà hàng. Các nông hộ như: Nguyễn Càng, Nguyễn Kẹp, Nguyễn Đen…là những điển hình tiêu biểu đi đầu trong việc thực hiện mô hình nuôi dông trên cát bền vững có thu nhập trung bình 50-70 triệu đồng/năm.

Ông Đinh Trọng Nghĩa ở thôn Hòa Thủy thu hoạch dông bán cho thương lái với giá
450 ngàn đồng/kg.

Anh Trần Thanh nhiệt tình đưa chúng tôi đến thăm hộ ông Đinh Duy Nghĩa là một trong những nông hộ thực hiện hiệu quả mô hình nuôi dông trên cát ở thôn Hòa Thủy. Ông Nghĩa đưa chúng tôi ra khu đất nuôi dông của gia đình rộng khoảng 250 m2, hàng chục con dông to bằng 2-3 ngón tay bò ngổn ngang trên nền đất tìm kiếm thức ăn. Ông Nghĩa đầu tư trên 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại và chở 30 xe bò cát động về đổ trên nền chuồng kết hợp trồng cỏ tạo môi trường sinh thái tự nhiên cho nghề nuôi dông. Ông mua 10 kg dông con giống với giá 300 ngàn đồng/kg về thả nuôi từ năm 2013 đến nay. Qua hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi dông, ông Nghĩa thông thuộc đời sống của loài vật nuôi “làm chơi ăn thiệt” này ở đồng đất Hòa Thủy. Con dông có sức sống tốt nên rất dễ nuôi, chỉ cần tạo môi trường gần với tự nhiên và cung cấp đủ nguồn thức ăn là đợi đến mùa thu hoạch. Từ lúc mới nở đến khi trưởng thành khoảng 12 tháng là con dông cái đẻ mỗi năm một lứa 3-4 trứng. Trứng nằm “lăn lóc” trong hang khoảng 5- 6 tuần nở ra dông con to bằng ngón tay út. Sau vài ngày, dông con bò ra khỏi hang tự tìm kiếm thức ăn. Trong điều kiện nuôi dưỡng tốt, từ lúc nở đến lúc “xuất chuồng” phải mất 20- 24 tháng, đối với giống dông thềm trống đạt trọng lượng 3-4 con/kg; giông thềm mái đạt trọng lượng 6-8 con/kg. Riêng giống giông cỏ nhỏ hơn giông thềm khi xuất chuồng đạt trọng lượng khoảng 10-12 con/kg. Theo ông Nghĩa nghề nuôi dông như tiền “bỏ ống” khi cần chi tiêu thì giăng đăng bện bằng tre bắt vài ba ký bán cho thương lái với giá 450 ngàn đồng/kg. Chỉ với 250 m2 nền đất nuôi dông bắt tỉa con lớn bán hằng năm, ông Nghĩa có thu nhập 8- 10 triệu đồng kết hợp canh tác 5 sào ruộng lúa, 2 sào đất trồng hoa màu và nuôi 4 con bò lai sind vỗ béo, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.

Anh Trần Thanh cho biết thêm, toàn thôn Hòa Thủy hiện có 592 hộ với 2.475 nhân khẩu. Đời sống của bà con dựa vào nguồn thu nhập từ 50 ha ruộng lúa chủ động tưới từ kênh Nam và 50 ha đất màu tưới từ nguồn nước nhỉ động cát trồng hành ta, bắp lai, rau đậu. Nông dân sử dụng phụ phẩm của ngành trồng trọt để chăn nuôi bò đực vỗ béo và phát triển nghề nuôi dông trên cát. Toàn thôn hiện có trên 300 nông hộ thực hiện mô hình nuôi bò đực lai sind vỗ béo. Đây là giải pháp chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm đời sống nông dân, tích cực góp phần xây dựng xã Phước Hải đạt chuẩn nông thôn mới.