Trên lĩnh vực trồng trọt, nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo xây dựng lịch thời vụ sản xuất kết hợp điều tiết nước hợp lý nên diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 47.704 ha; trong đó, vụ đông - xuân 26.139 ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trên phạm vi toàn tỉnh ghi nhận vụ đông - xuân được mùa lớn, năng suất bình quân đạt 6,4 tấn/ha. Kết quả nổi trội đáng kể nhất là mô hình cánh đồng lớn (CĐL) được nhân rộng, tạo “cú huých” để đem đến sự thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp. Những giải pháp tỉnh đưa ra bằng công cụ chính sách hỗ trợ đã tạo niềm vui phấn khởi trong đông đảo nông dân thực hiện mô hình CĐL. Theo báo cáo, vụ đông- xuân toàn tỉnh xây dựng được 9 CĐL; trong đó, 7 CĐL sản xuất lúa với tổng diện tích hơn 880 ha, năng suất đạt từ 7,2-8 tấn/ha; 1 CĐL trồng bắp 80 ha, năng suất 8 tấn/ha. Lợi nhuận thu được từ mô hình CĐL tăng 1,5 lần so với hình thức sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Vụ hè - thu tổ chức sản xuất theo mô hình CĐL không chỉ trên cây lúa, bắp mà còn mở rộng các đối tượng cây nho 30 ha, măng tây xanh 20 ha. Diện tích các loại cây ăn quả như nho, táo cũng tăng mạnh cho thấy sản xuất nông nghiệp có chuyển biến mới, hướng trọng tâm vào canh tác các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao.
Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) trồng nho NH01-152
đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Long
Với quyết tâm đưa chăn nuôi lên ngành sản xuất chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề, đưa ra giải pháp triển khai các loại hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, từng hộ gia đình, gắn với chuỗi giá trị, giết mổ gia súc tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Từ thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến hàng nông sản, cơ sở giết mổ tập trung xây dựng ở phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hoàn thành đi vào hoạt động cho ra dòng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng. Các cơ sở giết mổ dê, cừu La Kim Phượng ở xã Phước Nam (Thuận Nam), Cơ sở giết mổ tập trung Nhật Thành FOOD ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), Cơ sở giết mổ tập trung ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đang được nâng cấp, triển khai xây dựng là nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đáng được ghi nhận.
Các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục ghi dấu ấn, nhất là thực hiện các chương trình, dự án rừng đã góp phần vào phủ xanh đồi trọc, tạo thu nhập cho nhiều hộ nghèo. Mô hình sinh kế bền vững đã nhân rộng hơn 351 ha trồng rừng xen kẽ cây ăn quả, trồng phân tán 66.320 cây dừa xiêm năng suất cao. Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, các đơn vị chủ rừng đã đẩy mạnh hợp đồng giao khoán trực tiếp với 254 hộ, qua đó có 101 hộ được vay vốn ưu đãi, với số tiền 4,88 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Không dừng lại đó, sản xuất thủy sản tiếp tục bứt phá, tổng sản lượng khai thác đạt 50.219 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Cội nguồn dẫn đến thành công là nhờ thực hiện tốt công tác thông tin, ngư trường thường xuyên xuất hiện nhiều đàn cá, sự tham gia đánh bắt của các tàu cá đóng mới có công suất lớn được hỗ trợ từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đạt hiệu quả cao. Hướng đến phát triển khai thác bền vững, ngành chức năng, các địa phương tập trung công tác củng cố, thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, tạo hiệu ứng tích cực. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 162 tổ đoàn kết, với 918 tàu tham gia khai thác xa bờ.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Đạt được kết quả trên, đó là nhờ ngay từ đầu năm ngành Nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ sát với tình hình, gắn với công tác dự báo, dự tính, thông tin; nghiên cứu tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, quyết định của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, toàn ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm và đột phá gắn với nhiệm vụ thường xuyên, xây dựng chuyên đề trên các lĩnh vực, xác định nội dung, đầu việc, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận. Quá trình triển khai thực hiện có kiểm tra, kiểm soát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Từ nay đến hết năm 2018, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, hướng trọng tâm vào tuyên truyền, tạo đột phá nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ, rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp để xây dựng các vùng cây trồng chuyên canh, có lợi thế; tổ chức triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Anh Tùng