Về tôm thương phẩm, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trong những tháng đầu năm hoạt động nuôi ở tỉnh ta khá ổn định, tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, người nuôi tuân thủ kế hoạch mùa vụ của ngành. Tuy nhiên hiện nay dù đã vào vụ chính trong năm nhưng tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, diện tích thả nuôi còn thấp, ước tính đến cuối tháng 5 đạt khoảng 389 ha. Nguyên nhân diện tích thả nuôi thấp là do điều kiện thời tiết chưa ổn định, biên độ nhiệt ngày đêm dao động mạnh, kết hợp tình hình bệnh tôm trong tháng vẫn xuất hiện. Tôm bệnh có các dấu hiệu chủ yếu của bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính,… Theo các cán bộ chuyên môn ngành Thủy sản, trước tình hình bệnh trên tôm nuôi chưa chấm dứt hẳn nên các hộ nuôi chỉ thả thưa trên diện tích nhỏ để thăm dò, chưa mạnh dạn thả mới. Về sản xuất giống thủy sản, ước tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh sản xuất được 15,9 tỷ con tôm giống (3,4 tỷ tôm sú giống và 12,5 tỷ tôm thẻ giống) và 58 triệu con ốc hương giống. So với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động sản xuất giống đã thuận lợi hơn, sản lượng tôm giống cao hơn 31 %.
Nuôi hàu tại khu vực Đầm Nại (xã Tri Hải, Ninh Hải).
Ngược lại tôm thương phẩm, ốc hương, đối tượng nuôi quan trọng chỉ sau tôm đang có chiều hướng phát triển khá tốt. Phần lớn diện tích ốc hương nuôi tập trung tại khu vực nuôi trên cát xã Phước Dinh (Thuận Nam) và được nuôi theo hình thức thâm canh, năng suất thu hoạch cao (dao động 20 - 30 tấn/ ha), kết hợp giá bán ốc hương thương phẩm cao, dao động 320.000 - 360.000 đồng/kg (loại 130 con/kg) nên hầu hết người nuôi đều có lãi. Tính trong 5 tháng qua có 28 ha diện tích thả nuôi trên địa bàn tỉnh, bao gồm 22 ha ở Thuận Nam và 6 ha tại Ninh Hải, ước sản lượng thu hoạch đến cuối tháng 5, đạt 475 tấn. Đối với đối tượng thủy sản trồng như rong sụn, rong nho vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, không thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, kết hợp giá bán cao nên hầu hết người trồng rong có lãi. Riêng rong sụng được trồng tại Khánh Hội (xã Tri Hải), Mỹ Hiệp (xã Thanh Hải) với tổng diện tích 36 ha, đạt 72 % kế hoạch năm và cao gấp 4 lần so với cùng kỳ, từ đầu năm đến nay thu hoạch được 425 tấn.
Bên cạnh ốc hương, một số đối tượng nuôi mới cũng đạt kết quả phấn khởi. Trước hết là tôm hùm nuôi lồng bè tại các vùng Mỹ Tân (xã Thanh Hải), Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải), vịnh Phan Rang cho sản lượng thu hoạch khoảng 8,5 tấn, tăng 21,4 % cùng kỳ. Cá bớp nuôi lồng bè được nuôi xen kẽ trong các bè nuôi tôm hùm tại vùng Mỹ Tân, vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải), Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm), Cà Ná (Thuận Nam) cũng có tốc độ phát triển nhanh, sản lượng thu hoạch khoảng 26 tấn, tăng 57 % cùng kỳ, có giá bán cao nên hiệu quả kinh tế cao. Hàu, cua, ghẹ được nuôi với diện tích khoảng 32 ha tập trung tại vùng đầm Nại (Ninh Hải) với hình thức nuôi quảng canh cải tiến, đánh tỉa thả bù, qua thu hoạch cho sản lượng 30 tấn, cũng là đối tượng nuôi được quan tâm. Tại các xã: Tân Hải, Phương Hải, Tri Hải và Hộ Hải (Ninh Hải), nhiều hộ nông dân tận dụng ao đìa không thích hợp nuôi tôm để thả nuôi cá mú với diện tích 14 ha, đến cuối tháng đã thu hoạch 5 tấn, với giá bán dao động từ 210.000 - 250.000 đồng/kg, hầu hết người nuôi đều có lãi.
Theo ông Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, từ tình hình thực tế trong nuôi tôm thương phẩm, sản xuất giống và các đối tượng hải đặc sản trong thời gian qua, từ nay đến cuối năm, Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh. Trước mắt tiếp tục phối hợp tốt với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền địa phương, tích cực thông tin tuyên truyền định hướng người nuôi và hỗ trợ trong việc xử lý nguồn nước, cải tạo ao đìa, xét nghiệm con giống. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tham mưu kế hoạch tổ chức lại NTTS theo hướng ứng dụng công nghệ cao, cấu trúc vùng Đầm Nại thành khu sinh thái bền vững và tham mưu nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải (Ninh Hải).
Bạch Thương