Nếu như trước đây, nông dân xã An Hải luôn lo lắng về tình trạng thiếu nước tưới vào mùa nắng hạn thì nay toàn bộ diện tích canh tác của xã đều được phủ bằng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ông Hồ Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải, cho biết: Trước đây, nhiều diện tích đất sản xuất ở các thôn Tuấn Tú, Nam Cương vào mùa nắng hạn hầu như bỏ hoang, không sản xuất được do thiếu nước tưới. Năm 2011, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Tổ chức iDE tại Việt Nam triển khai thí điểm mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa cho một số hộ nông dân trồng rau màu ngắn ngày như: hành lá, cà chua, củ cải trắng… Sau thời gian thử nghiệm, mô hình mang lại hiệu quả, giúp bà con nông dân tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới. Thấy được lợi ích kinh tế từ mô hình, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, vận động nông dân nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm. Đến nay, mô hình đã được nông dân nhân rộng ra toàn xã với diện tích 230 ha, với 458 hộ đầu tư lắp đặt, áp dụng cho các loại rau màu ngắn ngày và cây trồng lâu năm như: măng tây xanh, nho, táo… Từ việc áp dụng hiệu quả công nghệ tưới nước tiết kiệm, giúp bà con nông dân mở rộng vùng sản xuất trên các vùng đất cát, đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên cho những vùng khan hiếm nước, góp phần cải thiện đất, hạn chế quá trình hoang mạc hóa.
Nông dân xã An Hải ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm
phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có nông dân xã An Hải ứng dụng mô hình này, mà hiện nay nhiều nông dân ở các xã Phước Hải, Phước Thuận, thị trấn Phước Dân… cũng chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để tưới cho hoa màu và cây trồng. Ông Nguyễn Văn Tài, thôn Phước Khánh, cho biết: Trước đây, với 3 sào nho, bình thường phải mất hơn 1 buổi để tưới, nhưng từ khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm chỉ cần 2 giờ vườn nho đã được tưới đầy đủ. Đặc biệt, mô hình tưới nước tiết kiệm không chỉ có ưu điểm là tiết kiệm được nguồn nước tưới, công lao động, mà còn giúp cây trồng không bị ngập úng như tưới tràn. Nhờ đó, cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao.
Việc ứng dụng rộng rãi mô hình tưới nước tiết kiệm không chỉ giúp nhiều nông hộ trên địa bàn huyện chủ động được nguồn nước tưới, khắc phục đước tình trạng bỏ hoang đất trong mua nắng hạn, đây còn là giải pháp hữu hiệu nhằm duy trì sản xuất trước tác động của biến đổi khí hậu. Bởi hệ thống tưới nước tiết kiệm có ưu điểm nổi bật, đó là giúp nông dân giảm 20-40% lương nước tưới, tăng năng suất cây trồng từ 15-20%, giảm công chăm sóc, hạn chế được sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt so với phương thức tưới tràn. Đặc biệt, mô hình này còn phù hợp với điều kiện kinh tế của nông dân nhờ chi phí đầu tư, lắt đặt hệ thống tưới phun và nhỏ giọt chỉ từ 1-3,5 triệu đồng/sào. Qua đó, hệ thống này còn giúp nông dân giảm được phân, thuốc bảo vệ thực vật, rút ngắn thời vụ, tăng năng suất cây trồng. Theo thống kê, tính đến nay tổng diện tích sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên địa bàn huyện đạt gần 400 ha; trong đó, cây màu chiếm khoảng trên 350 ha, còn lại là cây nho, táo, cỏ chăn nuôi…
Ông Đặng Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước, cho biết: Để nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục có những chính sách hỗ trợ vốn vay cho các hộ dân để đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn về kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để nông dân sử dụng đạt hiệu quả. Qua đó, giúp các nông hộ hiểu được lợi ích của hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhằm đảm bảo sản xuất trước tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay, nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Tiến Mạnh