Tiêu biểu là Viện đã chuyển giao giống nho mới NH01 - 152 vào sản xuất ở huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân trong khu vực. Hiện tại đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp như gốc ghép, hệ thống tưới tiết kiệm, tạo tán, tạo chùm quả, bao chùm quả, phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ thảo mộc để xin công nhận giống sản xuất thử trong quý II -2018 và chuẩn bị đăng ký bảo hộ giống. Từ năm 2017 đến nay, Viện mở rộng hoạt động nghiên cứu chọn tạo 5 giống bông (VN35KS, VN14-4CS, VN 16-01, VN 14-5 NH 16-20) có năng suất cao, chất lượng xơ tốt, khả năng kháng sâu xanh và rầy xanh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia.
Cánh đồng nhân giống lúa nguyên chủng PY2 có khả năng chống chịu nắng hạn,
kháng bệnh của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, Viện đã tuyển chọn, đánh giá các giống gốc ghép cây ăn quả, như: nho, táo, xoài, mít, mãng cầu, nhãn, ổi… phù hợp với khí hậu ở tỉnh ta và khu vực Nam Trung Bộ. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước nhập nội và tiếp nhận 16 mẫu giống bắp sinh khối, 8 mẫu cao lương, 22 mẫu cỏ phục vụ mở rộng đồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững. Là đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Viện đặc biệt quan tâm thực hiện các đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp theo đặt hàng của tỉnh. Qua đó, Viện đã hoàn thiện quy trình nhân giống cây đinh lăng lá nhỏ bằng phương pháp Invitro và nhân giống vô tính để phục vụ cho vùng sản xuất cây dược liệu đã được quy hoạch ở xã Phước Tiến (Bác Ái). Tiến hành thu nhập 10 giống măng tây xanh đang trong giai đoạn khảo nghiệm, nghiên cứu, khi hoàn thiện sẽ góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm giống hiện nay. Đối với thực hiện các chuỗi sản phẩm sau nho để nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng nông sản, kết quả đáng kể nhất là Viện đã hoàn thiện quy trình sản xuất rượu Nha Hố Brandy từ nguyên liệu nho. Năm 2017, Viện đã sản xuất được 3.000 lít, chất lượng ổn định và đang hướng tới cho ra dòng rượu vang nổi tiếng mang thương hiệu Ninh Thuận. Để đảm bảo mỗi năm cung cấp cho thị trường 6.000 tấn giống cây trồng chất lượng cao, Viện mở rộng hoạt động liên kết sản xuất với nông dân trong tỉnh. Vụ đông - xuân năm 2018, phối hợp với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu, Ninh Phước) thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống quy mô 150 ha; đồng thời, liên kết với nông dân Ninh Phước, Ninh Sơn sản xuất 150 ha bắp lai ứng dụng công nghệ cao.
Tiến Sỹ Lê Trung Kiên, Viện phó Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cho biết: Thời gian tới, Viện đẩy mạnh công tác nghiên cứu về giống và giải pháp kỹ thuật cho các loại cây trồng vùng khô hạn phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tập trung chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giải quyết tồn tại về kỹ thuật để sản xuất các loại cây trồng lợi thế của tỉnh; chương trình về sản phẩm quốc gia, sản phẩm đặc thù để tạo ra các mặt hàng nông sản có hàm lượng khoa học - công nghệ cao chuyển giao cho sản xuất. Hoàn thiện các công nghệ từ kết quả nghiên cứu của Viện, tiến tới đưa vào sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm có thế mạnh.
Anh Tùng