Đạt được kết quả trên là nhờ ngay từ đầu năm, ngành đã chủ động đề ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển, nhất là giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn, nông dân và doanh nghiệp liên kết đổi mới hình thức sản xuất, qua đó hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản đưa lại nhiều lợi ích cho các bên. Kết quả trong vụ động - xuân và hè - thu vừa qua, toàn tỉnh đã chuyển 1.400 ha đất sản xuất kém hiệu quả trở thành những cánh đồng bắp, đậu xanh… mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa trước đây, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đối với trồng trọt, diện tích gieo trồng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên cái được lớn nhất có tác dụng nâng cao giá trị gia tăng đó là hình thành các cánh đồng lớn sản xuất lúa và mía đã thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại. Thành công bước đầu từ các mô hình triển khai trong vụ hè - thu 2017 có tác dụng tạo đà cho xây dựng cánh đồng lớn sản xuất các loại cây trồng có thế mạnh, giá trị kinh tế cao như: nho, táo, măng tây xanh… vào thời gian tới.
Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa
bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: V.M
Ở lĩnh vực khai thác thủy sản, dấu hiệu chuyển biến tích cực nhất đó là ngành chức năng, các địa phương tập trung vận động ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi, hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ có hiệu quả. Hoạt động này đã nâng cao ý thức của ngư dân trong thực hiện khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên biển và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Từ đầu năm đến nay, có hàng trăm chủ tàu cá làm nghề vây rút mùng chuyển sang nghề câu, rê và vây rút chì, khai thác vùng khơi có kết quả. Cần ghi nhận thêm, việc ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản đã tạo thuận lợi cho ngư dân chủ động ra khơi đánh bắt được nhiều tôm, cá. Tỉnh ta được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ở chỗ là đẩy nhanh giải ngân đóng tàu mới vừa đảm bảo các dự án có chất lượng, không để xảy ra sai sót lớn về mặt kỹ thuật. Trong 9 tháng, UBND tỉnh phê duyệt thêm 10 dự án đóng mới tàu cá đang thi công với tổng kinh phí 138,18 tỷ đồng, dự kiến hạ thủy vào cuối năm nay, nâng tổng số dự án đóng mới, nâng cấp tàu cá lên 49 dự án. Sự tác động mạnh mẽ của Nghị định 67 đã nâng cao năng lực tàu thuyền, hiện toàn tỉnh có 2.774 tàu cá/339.307 CV, trong đó có 98% tàu hoạt động có hiệu quả, khai thác được 88.119 tấn hải sản, vượt 3,7% kế hoạch, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng có những bứt phá, sản lượng thu hoạch ước đạt 6.249,7 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công đó là ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác kiểm soát nguồn giống đưa vào vùng nuôi, theo dõi chặt chẽ nguồn tôm giống bố mẹ, việc sản xuất tôm giống, tránh tình trạng trà trộn các đàn tôm không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất. Song song đó, ngành chức năng cũng đã thực hiện quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm, cảnh báo kịp thời về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người nuôi các biện pháp xử lý kịp thời. Từ những hoạt động tích cực trên, đã vực dậy nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng ở An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam), nuôi tôm sú ở khu vực Đầm Nại (Ninh Hải) phát triển mạnh.
Từ nay đến hết năm 2017, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Thách thức lớn nhất những tháng cuối năm là tình hình thiên tai, hiện đang bước vào mùa mưa lũ. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng, ngành xác định tập trung cho công tác dự báo, dự tính, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ đạo sản xuất vụ mùa, khai thác vụ cá bấc có kết quả.
Anh Tùng