Với “cú huých” của Nghị định đã nêu, lần đầu tiên một số ngư dân trong tỉnh đã đầu tư đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite, có chiều dài hơn 20 m, trang bị máy chính mới 100%, công suất đạt từ 700 CV đến trên 1.000 CV, với các trang thiết bị hiện đại. Qua đó, không những góp phần tăng năng lực tàu cá trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ mà điều còn rất có ý nghĩa, đó là nhiều ngư hộ từ nay có thể tự tin, mạnh dạn đầu tư để làm chủ những con tàu cá lớn, hiện đại, góp phần thay đổi tập quán đánh bắt ven bờ bằng những chuyến “hải trình” dài ngày ở ngư trường xa...
Tàu cá Hải Dương của ngư dân Nguyễn Văn Mười (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải)
neo đậu tại Cảng cá Ninh Chử.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, đến nay, tỉnh ta đã có 39 dự án được phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán 439 tỷ đồng. Đến nay, có 25 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động (trong đó có 23 dự án đóng mới, 2 dự án nâng cấp); 14 dự án đang trong giai đoạn thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 này. Đóng góp quan trọng cho sự ra đời những “con tàu 67” phải kể đến sự đi đầu của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) đã tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương vùng biển hỗ trợ ngư dân nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án, hợp đồng tín dụng... Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Agribank Ninh Thuận cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số dự án nêu trên, riêng đơn vị đã cho vay đầu tư đóng mới, nâng cấp 33 tàu, trong số này có 32 tàu đóng mới, 1 tàu nâng cấp với tổng mức đầu tư 365,32 tỷ đồng; trong đó tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 311,21 tỷ đồng và thực tế đã giải ngân trên 207,1 tỷ đồng. Hiện đã có 22 tàu đã hạ thủy và đi vào hoạt động khá hiệu quả.
Trước đây, ngày 30-10-2015, tàu dịch vụ hậu cần đầu tiên đóng mới bằng vỏ composite mang tên Việt Anh của ngư dân Nguyễn Đức Hải ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải) được hạ thủy. Vào thời điểm đó, đây là con tàu hậu cần nghề cá lớn nhất và được hạ thủy sớm nhất theo Nghị định 67. Tàu có công suất 500 CV, dài 21 m, rộng 5,7 m, cao 3 m, có 18 hầm chứa hải sản có sức chứa trên 50 tấn. Ngoài ra, trên tàu còn được trang bị các thiết bị hiện đại như: Máy tầm ngư, máy dò đứng, hải đồ, máy tầm ngắn, tầm trung, tầm dài, máy nhận dạng, định vị... đảm bảo hoạt động trên biển dài ngày. Anh Hải vui mừng chia sẻ: Gia đình tôi là 1 trong 3 hộ đầu tiên ở huyện Ninh Hải được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Con tàu là khối tài sản lên tới 7,9 tỷ đồng, nhưng gia đình chỉ đối ứng vốn 5% trên tổng giá trị. Đặc biệt, trong quá trình đóng tàu, cả lãnh đạo và cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Ninh Hải luôn quan tâm, theo sát tiến độ để giải ngân vốn kịp thời. Tiếp đó, ngày 23-3-2016, tàu cá mang tên Hải Dương số hiệu NT-91144 TS có công suất trên 800 CV của ông Nguyễn Văn Mười, ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) tiếp tục hạ thủy. Và mới đây, ngư dân Nguyễn Văn Thắng ở xã Phước Diêm (Thuận Nam), đã mạnh dạn đầu tư 3,8 tỷ đồng vốn đối ứng để đóng chiếc tàu cá vỏ gỗ bọc composite có công suất 1.070 CV, trong đó ông được vay 7,8 tỷ đồng theo Nghị định 67. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là chiếc tàu cá vỏ gỗ lớn nhất của tỉnh được ngư dân đầu tư đóng mới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng cũng chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn cả về phía đơn vị và ngư hộ vay vốn. Cụ thể như việc cho vay vốn lưu động sau khi đóng tàu, do ngư dân dành toàn bộ vốn liếng để tham gia vốn đối ứng, trong khi ngân hàng chỉ cho vay vốn lưu động một khi ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết nhưng việc quản lý dòng tiền này hết sức khó khăn. Lý do là hoạt động mua, bán vật tư, hàng hóa, hải sản phục vụ đầu vào, đầu ra của quá trình khai thác, hậu cần nghề cá nhiều khi được thực hiện ngay trên biển, ngân hàng khó giám sát được hoạt động này, đồng thời phải đáp ứng được việc thanh toán không dùng tiền mặt theo Thông tư số 09/2012/TT-NHNN ngày 10-4-2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, kinh nghiệm, điều kiện trong đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá đối với tàu có công suất lớn còn nhiều hạn chế như gặp khó khăn trong việc cập cảng do luồng lạch không được nạo vét thường xuyên; chủ tàu không phát huy hết tính năng, tác dụng máy móc, trang thiết bị trên tàu, từ đó hiệu quả sử dụng vốn chưa cao... Vướng mắc là vậy, nhưng thực hiện chỉ đạo của ngành và của tỉnh, trong thời gian tới, Agribank Ninh Thuận sẽ tiếp tục ký hợp đồng tín dụng và tổ chức giải ngân các dự án đã thẩm định, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch, chỉ tiêu được giao.
Mai Dũng