Hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản

(NTO) Ông Lưu Văn An, cán bộ Ban Phát triển xã Phước Thái (Ninh Phước) giới thiệu mô hình Nhóm đồng sở thích nuôi bò luân chuyển con giống ở thôn Tà Dương đang phát huy hiệu quả. Thành viên các nhóm đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chuỗi giá trị bò, phát huy nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh. Mô hình nuôi bò sinh sản trong các nhóm đã góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào Raglai địa phương.

 
Mô hình nhóm đồng sở thích nuôi bò của nông dân thôn Tà Dương. Ảnh: S.N

Chúng tôi về Tà Dương tìm gặp anh Jaghe Hoàng Thọ, Trưởng Ban quản lý thôn kiêm Nhóm trưởng các nhóm đồng sở thích nuôi bò sinh sản. Anh Thọ cho biết: Toàn thôn hiện có 145 hộ, với 622 nhân khẩu đồng bào Raglai. Đời sống của người dân dựa vào nguồn thu nhập của 61 ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống kênh Nam kết hợp canh tác 100 ha đất nương rẫy ăn nước trời và chăn nuôi 450 con bò chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên. Cuối năm 2013, thôn Tà Dương thành lập hai nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, mỗi nhóm có 30 thành viên. Được sự quan tâm của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh hỗ trợ gần 250 triệu đồng giúp các nhóm mua 12 con bò cái giao cho 7 hộ nuôi, làm chuồng trại, trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn xanh, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi... Các nhóm sinh hoạt định kỳ mỗi tháng/lần có sự tham gia của cán bộ Ban Phát triển xã hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc đàn gia súc. Các thành viên tự nguyện tham gia đóng góp quỹ tiết kiệm phát triển chăn nuôi với mức 150 ngàn đồng/thành viên. Nguồn quỹ này cho các thành viên vay xoay vòng với lãi suất thấp để phục vụ chăn nuôi bò.

Các thành viên Nhóm đồng sở thích gắn kết trách nhiệm, tích cực chăm sóc đàn bò chu đáo, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm. Bước đầu, đàn bò trong nhóm dự án đã sinh sản 8 con bò con. Sau khi theo mẹ 8-10 tháng, bò con được nhóm trưởng chuyển giao cho các các thành viên khác trong nhóm nhận chăn nuôi. Nhờ đó giúp cho các nông hộ thuộc diện nghèo thiếu vốn có điều kiện chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo. Các nông hộ Vimôn Thị Thơ, Bà Râu Sâm, Radăk Rinh… là những thành viên tích cực đi đầu trong hoạt động Nhóm đồng sở thích nuôi bò ở thôn Tà Dương. Đơn cử, chị Vimôn Thị Thơ nhận nuôi 2 con bò cái từ cuối năm 2013 đến nay sinh sản được 4 bò con, chị chuyển giao 2 con bò con cho các thành viên. Hiện nay, chị Thơ sở hữu 1 con bò mẹ và 2 con bò con trị giá trên 35 triệu đồng.

Anh Jaghe Hoàng Thọ đưa chúng tôi đến thăm hỏi chuyện làm ăn của các gia đình thành viên nhóm đồng sở thích nuôi bò thôn Tà Dương. Bà Katơ Thị Be bộc bạch niềm vui: Vợ chồng tôi đông con nên không dành dụm vốn liếng chăn nuôi bò. Nay được anh Bà Râu Sâm chuyển cho nuôi một con bò con, tôi mừng lắm. Vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc cho nó mau lớn sinh ra con bò con để chuyển giao cho hộ khác nuôi làm vốn. Anh Hume Sai phấn khởi chia sẻ: Nhờ tham gia Nhóm đồng sở thích nuôi bò được sự hỗ trợ của cộng đồng giúp gia đình tôi phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, tôi có bốn con bò sinh sản làm vốn để dành nuôi các cháu ăn học.

Đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái nhận xét: Mô hình nhóm đồng sở thích nuôi bò luân chuyển con giống ở thôn Tà Dương do Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh hỗ trợ đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Các thành viên nhóm đã gắn bó nâng cao tinh thần trách nhiệm giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững. Lãnh đạo xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh trong giai đoạn 2 mở rộng nhóm đồng sở thích nuôi bò phù hợp với lợi thế kinh tế địa phương. Qua đó giúp bà con phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.