Thế nhưng, trong vòng mười năm trở lại đây, do hạn hán ngày càng gay gắt, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt nghiêm trọng, dẫn đến hơn 75 ha đất nông nghiệp tại khu vực này trở thành vùng đất “khát”, không thể tiếp tục canh tác.
Thiếu nước sản xuất, nhiều nông hộ đã rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhiều hộ đã tự “chuyển đổi” đất sang chăn thả gia súc có sừng, một số nông hộ không có vốn nên đành phải cầm cự chờ vào mùa mưa, nhưng do thời tiết thất thường, nên sản xuất được chăng hay chớ. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Ngọc Mười, ở thôn Mỹ Hiệp (xã Thanh Hải) - một trong những nông hộ đang canh tác tại khu vực này - ông bộc bạch: Gia đình tôi có 7 sào đất trồng ớt và hành. Năm 2012, gia đình đã bỏ ra 33 triệu đồng để khoan 6 giếng, khoan đến cái thứ 6 mới có nước, nhưng lại bị nhiễm mặn. Do đó, tôi đã đầu tư thêm 72 triệu đồng để kéo 2 km đường ống dẫn nước từ hồ Ông Kinh về nhưng cũng không đủ nước tưới. Nếu chủ động được nguồn nước, có thể trồng được 4-5 vụ hành/năm, nhưng tình trạng như hiện nay thì được 2 vụ/năm là mừng lắm rồi. Với diện tích đất này, nếu nguồn nước đầy đủ, hàng năm cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Cũng trong hoàn cảnh như vậy, hộ ông Nguyễn Minh Thuận (thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, Ninh Hải) lại có cách “chống hạn” khá hiệu quả. Ông chia sẻ: Hiện gia đình tôi đang trồng 2,3 sào nho và 1,2 sào hành tại khu vực này, hàng năm tôi phải mua cát về “long” đất nhằm che phủ bớt lớp đất bị nhiễm mặn để cây trồng phát triển. Gia đình tôi cũng có khoan giếng, nhưng nước giếng bị nhiễm mặn nên chỉ dùng để tưới “cầm cự” cho cây nho. Để có nước ngọt sản xuất, gia đình đã đầu tư trên 80 triệu đồng kéo đường ống dài hơn 2 km từ hồ Ông Kinh về. Với tình trạng thiếu nước kéo dài như hiện nay thì đời sống bà con nơi đây “khó càng thêm khó”!
Để hạn chế đất bị nhiễm mặn, một số hộ dân ở khu vực phía Bắc thôn Mỹ Phong
phải mua cát về để “long” đất mới có thể sản xuất được.
Ông Phạm Thành Phước, cán bộ nông nghiệp xã Thanh Hải, cho biết: Do hạn hán, lượng mưa ngày càng ít, nên hiện nay tại khu vực phía Bắc thôn Mỹ Phong chỉ có 150 hộ tận dụng nguồn nước ngầm và nước hồ Ông Kinh để canh tác trên diện tích khoảng 25 ha, chủ yếu là trồng hành, tỏi, ớt, nho; còn lại trên 75 ha, do cách xa nguồn nước hồ nên người dân dùng để chăn thả dê, bò, cừu là chính.
Để có nước sản xuất trong tình cảnh khó khăn, nhiều nông hộ đã có những cách làm khá “sáng tạo” như bơm nước ngọt hòa với nước giếng bị nhiễm mặn để giảm độ mặn tưới cho cây trồng, đổ thêm cát che phủ lớp đất nhiễm mặn, một số hộ đầu tư kinh phí kéo đường ống dẫn nước từ hồ Ông Kinh cách khu vực này từ 2-3 km để dẫn nước về sản xuất... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi lẽ với tình trạng khô hạn kéo dài như hiện nay, cộng với hàng trăm đường ống dẫn nước nối chằng chịt, chồng chéo nhau từ hồ Ông Kinh, trong khi dung tích chứa của hồ này có giới hạn nên chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu sản xuất của bà con nơi đây và khu vực lân cận.
Theo ông Phạm Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải: Qua nhiều lần kiến nghị của người dân khu vực phía Bắc thôn Mỹ Phong, năm 2015, huyện Ninh Hải đã đầu tư 200 triệu đồng để nạo vét, cải tạo lại hồ Đá Bàn (thôn Mỹ Phong) nhằm tận dụng được nguồn nước ngầm và chứa nước mỗi khi có mưa, tuy nhiên, do không được bổ sung thường xuyên nước ngọt nên nguồn nước tại hồ cũng bị nhiễm mặn, không thể dùng để tưới cho các cây trồng được, mà chủ yếu chỉ sử dụng để phục vụ chăn nuôi gia súc! Với sự cấp thiết về nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây, giải pháp căn cơ là các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư đưa nguồn nước từ các hồ, đập, sông từ nơi khác về để người dân có điều kiện sản xuất, tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Đồng thời, bà con cũng kiến nghị là cần nâng cấp các tuyến đường và đưa hệ thống điện lưới quốc gia đi vào khu vực phía Bắc thôn Mỹ Phong để bà con yên tâm ổn định đời sống, nhất là khi tình trạng nắng nóng và biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Mai Dũng