Mô hình tưới phun trên cây nho tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân hơn phương pháp tưới truyền thống (tưới tràn), tiết kiệm 30-40% lượng nước tưới, giảm chi phí công lao động,... Đây là giải pháp giúp người trồng nho của Vĩnh Hải vượt qua sự biến đổi của khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt.
Hiện tượng hạn hán kéo dài trong những năm gần đây ảnh hưởng nhất định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung và cây nho nói riêng ở xã Vĩnh Hải. Theo ghi nhận, từ đầu mùa khô đến nay, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã Vĩnh Hải bị ảnh hưởng bởi thiếu nước tưới. Tuy nhiên, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm đã góp phần ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất. Tưới tiết kiệm đã giúp giữ độ ẩm của đất theo nhu cầu phát triển của cây nho. Hiện nay, chi phí lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới nước tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng/ha.
Mô hình tưới phun (tầm thấp) ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải.
Theo phân tích của Ông Nguyễn Khắc Phòng ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải), đất sản xuất ở Vĩnh Hải chủ yếu là đất cát ven biển, nguồn nước khan hiếm. Do vậy, từ đầu năm 2011 đến nay, gia đình ông đã mạnh dạn áp dụng phương pháp tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt trên diện tích trồng nho, ớt, hành tỏi… Vì thế, các diện tích trồng cây nông nghiệp của gia đình ông không bị chết khô vào mùa hạn trong những năm vừa qua.
Đến nay, diện tích trồng nho trên địa bàn xã Vĩnh Hải đã lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên 85% diện tích, diện tích nho toàn xã ước đạt 120 ha. Đây cũng chính là một trong những lý do góp phần ổn định diện tích sản xuất nho của xã Vĩnh Hải thời gian qua.
Cũng theo ông Phòng, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm này đã giúp cành, lá cây nho phát triển tốt, lá nho luôn xanh tươi. Nhờ áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước, cây nho cho năng suất cao nhưng mùa vụ sau cây vẫn sinh trưởng, phát triển rất tốt, không bị hiện tượng kiệt sức. Trước đây, chủ yếu là tưới tràn nên rất lãng phí nước và tốn công lao động.
Các chuyên gia Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, việc ứng dụng tưới nước tiết kiệm mang lại hiệu quả như tiết kiệm lượng nước tưới, tiết kiệm phân bón, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, ít cỏ dại, giảm áp lực nấm bệnh gây hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Với sự ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu như hiện nay, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai nhân rộng có hiệu quả việc áp dụng tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, điển hình là nho ở Vĩnh Hải, măng tây ở An Hải… Theo đánh giá, tưới nước tiết kiệm có nhiều ưu điểm vượt trội so với tưới truyền thống hiện nay, tuy nhiên việc áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng. Thiết nghĩ, trong thời gian đến, việc nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, đặc biệt các vùng khan hiếm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhu cầu cấp bách. Nhằm khuyến khích nông dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho các cây trồng nông nghiệp, các cấp, ngành liên quan cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn để đầu tư và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp hệ thống thiết bị tưới nước tiết kiệm cần tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ công nghệ, chủ động trong lắp đặt, chuyển giao công nghệ. Có như vậy, việc nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm sẽ được ứng dụng rộng rãi cho cây nho nói riêng và cây trồng nông nghiệp nói chung tại Ninh Thuận.
Phan Công Kiên