Ông Nguyễn Văn Thường, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước, cho biết: Để thu hút người dân tham gia các lớp đào tạo nghề, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hằng năm huyện còn chỉ đạo các phòng, ban và các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát nắm bắt về nhu cầu của người lao động, để liên kết mở lớp đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn. Không những vậy, thông qua tuyển dụng lao động, liên kết đào tạo, nhiều lao động được nhận vào làm việc tại một số tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh...
Các lớp dạy nghề mà huyện Ninh Phước phối hợp triển khai, tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực: Nông nghiệp và phi nông nghiệp như kỹ thuật trồng táo và nho, trồng rau an toàn; kỹ thuật nuôi dê, cừu, bò vỗ béo, chăn nuôi heo, may mặc... Thông qua các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn được nâng cao tay nghề, từ đó áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn ở xã An Hải và Phước Hải; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo tại các địa phương; mô hình “1 phải, 5 giảm”... Qua đó, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Thông qua lớp đào tạo nghề, anh Thành Phú Ninh đã áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.M
Không chỉ chú trọng đến công tác đào tạo, huyện Ninh Phước còn quan tâm giải quyết việc làm sau đào tạo. Cụ thể, đối với lao động học nhóm nghề phi nông nghiệp, huyện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Ngoài ra, để hỗ trợ người lao động, huyện còn tạo điều kiện giúp các đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, nhiều lao động đã đầu tư máy móc, mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt..., nâng cao thu nhập. Anh Thành Phú Ninh, thôn Phước Đồng 2, xã Phước Hậu chia sẻ: Năm 2016, tôi tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi. Từ vốn kiến thức được học, tôi đã mạnh dạn vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi heo và dê sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, hiện gia đình đã phát triển đàn heo nái trên 20 con và 20 con dê sinh sản, nhờ đó mỗi năm có thu nhập gần 50 triệu đồng từ chăn nuôi.
Công tác xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm triển khai kịp thời. Với chủ trương chọn thị trường phù hợp, chi phí thấp để người dân tham gia, huyện Ninh Phước chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tạo mọi điều kiện về thủ tục vay vốn, tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của huyện, tỉnh dành cho người tham gia xuất khẩu lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện Ninh Phước đã mở được 15 lớp đào tạo nghề cho 471 lao động, đạt 96,12% kế hoạch, giải quyết việc làm 3.380 lao động, đạt 125,18% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, có 2.660 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, 1.120 lao động được tuyển dụng vào làm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh; 24 người xuất khẩu lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả-rập Xê-út.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, theo ông Nguyễn Văn Thường, thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; phối hợp với các cơ sở dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; hỗ trợ vốn vay để người lao động đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn đối với người xuất khẩu lao động; thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã qua đào tạo.
Tiến Mạnh