Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố sản xuất thử nghiệm giống lúa Chế biến 3988 trước khi chuyển giao cho nông dân. Ảnh: V.M
Mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai vào cuối năm 2016 ở xã Phước Sơn (Ninh Phước) quy mô 16 con bò và 0,4 ha cỏ, với 16 hộ tham gia vỗ béo, qua kết quả đánh giá vào tháng 7 vừa qua cho thấy mô hình đã mang lại hiệu quả trên mọi mặt, nhất là về kinh tế cho thu nhập cao hơn 15% so với chăn nuôi truyền thống. Thông qua thực hiện mô hình, nông dân biết chế biến thức ăn bằng nguyên liệu sẵn có vỗ béo bò, giảm nhiều chi phí. Đến nay, mô hình được nhân rộng, tạo sinh kế cho hàng trăm hộ nghèo. Ở lĩnh vực trồng trọt, đáng kể là việc chuyển giao mô hình canh tác cây trồng cạn với các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đơn cử, từ việc huyện Thuận Bắc triển khai mô hình trồng cây măng tây xanh ở xã Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn đã biến những khu vực đất gò cao thành vùng sản xuất rau cao cấp có giá trị kinh tế cao.
Nhìn lại hoạt động khuyến nông thời gian qua để thấy, ngành chức năng, các địa phương bám sát nhiệm vụ trọng tâm, chọn lọc các mô hình phù hợp với trình độ của nông dân và điều kiện tự nhiên của tỉnh ta để triển khai thực hiện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng. Đối với khu vực ven biển, hoạt động khuyến nông chú trọng chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nổi lên là mô hình nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao đã làm chuyển biến hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần mở rộng diện tích sản xuất, sản lượng tôm thương phẩm tăng. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, sau một thời gian gặp khó khăn, 9 tháng đầu năm 2017, tình hình nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh bắt đầu có chuyển biến tích cực. Diện tích thả nuôi gần 800 ha, tăng 151% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng ghi nhận, phần lớn diện tích thả nuôi ở khu vực Đầm Nại bị ô nhiễm trước đây, hiện nay tôm phát triển bình thường nhờ các hộ ứng dụng mô hình nuôi ghép đa đối tượng, chuyển hình thức thâm canh, bán thâm canh sang quảng canh cải tiến.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại cánh đồng lớn xã Phước Hậu (Ninh Phước). Ảnh: A.T
Đóng góp quan trọng vào thành công phải kể đến đội ngũ khuyến nông cơ sở, lực lượng gắn bó với công việc hằng ngày của nông dân. Qua thực hiện thành công mô hình cánh đồng lớn về sản xuất lúa giống ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) trong vụ hè-thu 2017 cho thấy, đội ngũ khuyến nông cơ sở không chỉ là cầu nối chuyển giao khoa học-kỹ thuật, mà còn trực tiếp hướng dẫn nông dân sản xuất theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Thực hiện phương châm bám sát đồng ruộng, đội ngũ khuyến nông cơ sở đã thực hiện tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mô hình đúng theo kế hoạch; đồng thời, chủ động tham gia phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng, đảm bảo sản xuất có hiệu quả. Có thể nói, nỗ lực của đội ngũ khuyến nông cơ sở đã tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc để nông dân an tâm thực hiện các mô hình sản xuất mới đúng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở nâng cao vai trò trách nhiệm bám sát nhiệm vụ, hỗ trợ nông dân sản xuất. Không riêng gì triển khai các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật, thời gian qua, ngành chức năng còn tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, thu hút hàng nghìn lượt nông dân tham gia. Kết quả đạt được, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Anh Tùng